Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Ông trùm hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn thâm nhập hàng không như thế nào?

theo baogiaothong.vn
Chia sẻ Zalo

“Ông trùm hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn đang từng bước vững chắc thâm nhập thị trường hàng không.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương vừa gửi thư tới Bộ GTVT đề xuất được “góp sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT, TP.HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải tại Tân Sơn Nhất, thông qua việc xin được đầu tư nhà ga hành khách T4 tại đây”.
Cụ thể, IPP đề xuất được cùng ACV thực hiện đầu tư nhà ga hành khách T4 theo đúng quy hoạch và chủ trương được duyệt đồng thời cam kết hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công dự án. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên ông Hạnh Nguyễn tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của CTCP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) và ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng chính là Chủ tịch HĐQT của CRTC.
 “Ông trùm hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn đang từng bước vững chắc thâm nhập thị trường hàng không
Được biết, CRTC có 6 cổ đông sáng lập gồm: ACV, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hoá Nasco và Vietjet.
Mục tiêu của CRTC là sẽ đầu tư giai đoạn 1 của nhà ga này nhằm đáp ứng nhu cầu đón khoảng 2,5 triệu khách mỗi năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 3.735 tỷ đồng, xây dựng khoảng 50.500m2 sàn và 10 của ra máy bay (4 cổng tiếp xúc và 6 cổng ra bãi đỗ xa).
Dự án này đã được khởi công từ tháng 9/2016, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối quý I/2018.
Đáng nói hơn, đây cũng không phải là dự án đầu tiên của IPP trong lĩnh vực hàng không. Từ tháng 9/2014, IPP đã được biết đến là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).
Hôm 20/4 vừa qua, HĐQT SASCO đã bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương, sau hơn 1 năm kể từ khi ông tham gia vào HĐQT doanh nghiệp này. Vợ ông Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng tham gia vào HĐQT SASCO ngay từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.
Theo thông tin của Báo Giao thông, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn gồm Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) đang giữ 43,7% cổ phần tại SASCO. TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu 49,8% cổ phần.
Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước, nguồn thu chính của SASCO đến từ 3 hoạt động chính là kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ tại trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ thương gia sân bay. Trong khi đó, với danh mục hàng chục thương hiệu thời trang hàng đầu mà IPP đang nắm giữ, việc kết hợp với hoạt động kinh doanh tại sân bay như bán hàng hay cung cấp dịch vụ cũng trở nên dễ dàng hơn.
Điều này đã thể hiện ở chính hiệu quả kinh doanh của SASCO thời gian qua. “Chúng tôi đã cùng với các thành viên HĐQT tham gia chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh với kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2016 của SASCO đạt và tăng vượt bậc so với năm 2015 (từ 84 tỷ đồng lên 282 tỷ đồng)”, IPP cho biết.
Cần phải nói rằng, IPP cái tên lớn trong lĩnh vực đầu tư, có kinh nghiệm gần 32 năm đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Trong bản tự giới thiệu, IPP cho biết đã đầu tư và cùng hợp tác đầu tư 47 dự án với tổng số vốn hơn 500 triệu USD, là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam cho hơn 96 thương hiệu đẳng cấp thế giới về thời trang, rượu, thức ăn nhanh như Chanel, Burberry, Rolex, Bally, Cartier, Hennessy, Remy Martin, Domino’Pizza, Burger King… trên khắp Việt Nam và tại các sân bay lớn trong nước.
IPP cũng là đơn vị có công lớn trong việc thiết lập đường bay chính thức giữa Việt Nam và Phillipines trong thời gian Việt Nam còn khó khăn chưa mở rộng quan hệ với các nước.
Bên cạnh đó, IPP cũng là công ty tiên phong hỗ trợ các cảng hàng không lớn trong nước như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc trong việc đầu tư kinh doanh và nâng tầm dịch vụ, tương xứng với các tiêu chuẩn của các hãng hàng không trong khu vực và quốc tế.