Ông Trump dọa hủy NAFTA

Nguyễn Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Trump một lần nữa có dấu hiệu đi ngược lại mọi mong muốn lẫn cảnh báo từ các bên về việc giữ hay không giữ Canada trong Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới.

Trong khi các nghị sĩ Mỹ muốn Canada tiếp tục là một phần thỏa thuận, các chuyên gia kinh tế cảnh báo thiệt – hơn về việc vắng Canada, việc ông Trump làm là đưa ra một tuyên bố: Nếu không là một thỏa thuận công bằng, Mỹ không cần Canada.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tối hậu thư thứ hai

Hôm 31/8, tức là thời hạn để ký kết NAFTA mới, Mỹ và Canada đã kết thúc nhiều ngày họp mà không đạt được kết quả nào. Một phần của sự đổ vỡ này bắt nguồn từ việc báo Toronto Star (Canada) đăng bản tin tiết lộ một đoạn ghi âm “off the record”, vốn dĩ không được công bố theo quy tắc báo chí, trong đó gồm những lời bình luận không hay mà ông Trump nói về Canada. Chính vì vậy, Mỹ và Canada thống nhất trì hoãn 5 ngày để bàn tiếp trong tuần này. Nhưng một “quả bom” khác nổ ra vào hôm 1/9 sau khi ông Trump liên tiếp có những phát biểu có thể đẩy căng thẳng lên cao hơn. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ khẳng định không nhất thiết phải giữ Canada trong thỏa thuận NAFTA, và nếu không đưa ra một thỏa thuận “công bằng” cho Mỹ sau nhiều thập kỷ bị “lợi dụng”, Canada sẽ bị gạt ra ngoài. Thêm vào đó, biết trước các nghị sĩ Quốc hội đang muốn giữ Canada, ông Trump cảnh báo: “Quốc hội không nên can thiệp vào các cuộc đàm phán này, bằng không tôi sẽ đơn giản hủy luôn NAFTA”.

Như vậy, trước giờ tái khởi động đàm phán, Tổng thống Mỹ đã bắn những tín hiệu cho thấy lập trường cứng rắn của mình trước Canada.

Nắm đằng chuôi?

Lời đe dọa của ông Trump khiến dư luận Canada và nhiều nơi lo ngại. Truyền thông Canada đã đăng những bài phân tích cho trường hợp xấu nhất là thỏa thuận NAFTA thất bại, trong đó khả năng Canada đàm phán song phương với Mỹ cũng được tính đến.

Một số ý kiến khác, đơn cử là Luật sư thương mại quốc tế tại Toronto Lawrence Herman cho rằng: “Ông Trump không có thẩm quyền vượt Quốc hội để chấm dứt NAFTA và thỏa thuận song phương với Mexico như ông ấy đe dọa. Tôi đồ rằng sẽ có nhiều trở ngại chính trị và quan trọng hơn, là những thách thức pháp lý đối với bất kỳ nỗ lực nào tương tự thế”. Song, điều quan trọng nhất là ít nhiều ông Trump đang tự tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ phải tìm cách thỏa hiệp với người Mỹ, trong bối cảnh vận mệnh chính trị của ông Trudeau tại Canada cũng rơi vào vòng nguy hiểm.

Giữa tuần qua, Tòa phúc thẩm liên bang Australia đã đảo ngược phê chuẩn năm 2016 của Chính phủ do đảng Tự do lãnh đạo về việc mở rộng Trans Mountain, đường ống quan trọng dẫn dầu của Canada đến các thị trường nước ngoài. Tình huống này phản ánh những khó khăn của ông Trudeau trong mục tiêu giảm khí thải, vì hiện tại các kế hoạch của ông đang đối nghịch với quyết định của tỉnh Alberta – được xem là khu vực năng lượng của Canada. Thậm chí, Trans Mountain còn được cho là điểm then chốt quyết định cuộc bầu cử tháng 10/2019 tại Canada, vì viễn cảnh tệ nhất là việc cử tri bỏ phiếu cho đảng Tân Dân chủ và đảng Bảo thủ, trong khi cử tri Tự do của ông Trudeau sẽ ngồi nhà.

Ngược lại, Tổng thống Trump đang mong một chiến thắng trong NAFTA sẽ hỗ trợ cho ông và phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sắp tới. Một cú đánh tất tay, và rõ ràng ông Trump đang có cơ sở để “ép” ông Trudeau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần