Ông Võ Trí Thành: Ví dụ của Uber cho thấy rõ câu chuyện chuyển đổi nguồn nhân lực

Lan Hương - ảnh: Đinh Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xuất hiện của Uber là dịch vụ mới, có sự hỗ trợ của công nghệ, đã buộc các doanh nghiệp truyền thống phải có điều chỉnh.

Bên lề ngày làm việc thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO summit) trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, trao đổi với phóng viên, ông Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho biết, không phải ngẫu nhiên mà CEO summit có 2 phiên làm việc đầu tiên về nguồn nhân lực, kỹ năng gắn với thời đại số. "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang hiện diện dù chúng ta muốn hay không. Vì vậy, cách tốt nhất không phải là né tránh mà phải tận dụng tốt cơ hội để giảm thiệt hại" - ông Võ Trí Thành cho hay.
 Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành lưu ý, quá trình chuyển đổi việc làm sẽ gây ra những điều chỉnh chi phí có thể rất lớn, bao gồm: Chi phí đào tạo, chi phí hỗ trợ mặt xã hội, chi phí đầu tư... Trong quá trình chuyển đổi này vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Nhà nước cần tạo ra hệ thống pháp lý thúc đẩy cái mới, khuyến khích cái mới, để sự sáng tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn với đó là việc tạo ra nghề mới, việc mới. Thứ hai, cuộc chuyển đổi này sẽ đòi hỏi sự thay đổi về hệ thống giáo dục theo hướng đào tạo kỹ năng mới. Thứ ba, là khung khổ pháp lý và cách thức hỗ trợ DN làm sao để chi phí chuyển đổi là nhỏ nhất.
Câu chuyện chuyển đổi nguồn nhân lực ta có thể thấy rất rõ ở lĩnh vực mới như nền kinh tế chia sẻ hay dịch vụ Uber và cách kinh doanh ngành nghề của taxi truyền thống. Việc xuất hiện của Uber là dịch vụ mới, có sự hỗ trợ của công nghệ, đã buộc các doanh nghiệp truyền thống buộc phải có chi phí điều chỉnh, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu hỗ trợ khung khổ pháp lý từ nhà nước và đào tạo chuyển đổi cho nguồn nhân lực, ông Thành nói thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần