Sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có cuộc dàn xếp với Mexico, nhóm OPEC+ hôm 12/4 đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, từ tháng 5-6/2020.
Cụ thể, OPEC cùng các nước đối tác, dẫn đầu là Nga, nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng từ tháng 5 - 6/2020. Mức cắt giảm nguồn cung sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7 đến cuối năm 2020 và giảm tiếp 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022. Nhóm 23 quốc gia của liên minh sẽ có cuộc gặp vào ngày 10/6 để thảo luận về chính sách điều hành sản lượng dầu mỏ.
Việc cắt giảm sản xuất lớn nhất trong lịch sử được đưa ra nhằm bình ổn giá dầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến nhu cầu đối với “vàng đen”. Thỏa thuận của nhóm OPEC+ cũng chấm dứt một cuộc chiến giá giữa Ả Rập Saudi và Nga từ đầu tháng 3 sau khi liên minh không đạt thỏa thuận về việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Theo một số nguồn tin từ OPEC, thỏa thuận trên đã được nhất trí trong cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày và thỏa thuận này đã được xác nhận trong tuyên bố do Bộ Năng lượng Kazakhstan đưa ra. Theo thỏa thuận mới của OPEC+, Mexico sẽ cắt giảm 100.000 thùng mỗi ngày.
Trước đó, OPEC+ đề xuất cắt giảm 10 triệu thùng mỗi ngày - chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu, tuy nhiên Mexico phản đối yêu cầu nước này phải cắt giảm 400.000 thùng/ngày.
Trong cuộc họp trực tuyến của nhóm OPEC+ hôm 9/4, Ả Rập Saudi và Nga đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khoảng 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng, từ ngày 1/5 tới. Cụ thể, Riyadh sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, nhóm OPEC+ còn bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ngoài nhóm như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm thêm 5%, tương đương 5 triệu thùng/ngày.
Việc OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của giá dầu sau khi lao dốc vềmức thấp nhất kể từ năm 2002.
“Quyết định cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày sẽ bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/5 và sẽ kéo dài đến hết tháng 6, đợt cắt giảm sản lượng lần này chắc chắn là sự hỗ trợ quan trọng nhất cho ngành công nghiệp năng lượng và cho nền kinh tế toàn cầu”, Per Magnus Nysveen - nhà phân tích trưởngcủa Energy Rystad nói với CNBC hôm 12/4. Mặc dù thị trường nhiên liệu cần giảm nguồn cung nhiều hơn, song quyết định này cũng giúp ngăn chặn đà sụp đổ của giá dầu toàn cầu./.