PBoC “giải vây” cho đồng NDT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tuần sau khi được đưa vào Giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế (SDR), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 11/12 đã hạ tỷ giá tham chiếu bình quân của đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Theo đó, PBoC đặt tỷ giá tham chiếu của đồng NDT ở mức 6,4358 NDT/1 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 5/8/2011, thậm chí thấp hơn cả mức mà PBoC đã thiết lập khi phá giá đồng nội tệ hồi tháng 8 vừa qua.

“Cảnh báo đỏ”

Động thái này phần nào phản ánh bầu không khí u ám bao trùm nền kinh tế Trung Quốc. Có thể nói, chưa bao giờ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lại phải đối mặt với nhiều áp lực như hiện nay khi dòng vốn ngoại liên tục bị hút khỏi thị trường Trung Quốc. Tâm lý lo ngại NDT sẽ giảm giá sau khi gia nhập SDR và tâm lý bi quan về dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này, khiến dòng vốn “chảy” khỏi Trung Quốc đến hết tháng 11 đã lên mức cao kỷ lục là 113 tỷ USD.
NDT đối mặt với nhiều sức ép buộc PBoC phải hành động.
NDT đối mặt với nhiều sức ép buộc PBoC phải hành động.
Việc chính quyền Bắc Kinh đặt “cảnh báo đỏ” vì chất lượng không khí quá thấp cũng làm các nhà đầu tư nước ngoài “khiếp sợ” trước môi trường làm ăn và môi trường sống nơi đây. Vì thế, không ngạc nhiên khi số liệu vừa được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hôm 11/12 cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nước này trong tháng 11 chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh từ mức tăng 4,2% trong tháng 10. FDI - chỉ số thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục giảm trong thời gian qua đã đặt ra áp lực lớn cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Trước đó, hàng loạt tập đoàn nước ngoài đã bày tỏ sự không hài lòng về tình trạng bị phân biệt đối xử, môi trường kinh doanh kém minh bạch tại Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế và mối liên kết làm ăn với các bạn hàng truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng lỏng lẻo thể hiện qua kim ngạch ngoại thương suy giảm suốt 9 tháng qua, chỉ số giá sản xuất cũng giảm tháng thứ 45 liên tiếp đã gia tăng áp lực lên các nhà điều hành và là thử thách lớn cho mục tiêu tăng trưởng 7%. Trong tình trạng kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc không còn lựa chọn nào tốt hơn hạ giá đồng nội tệ. Và động thái điều chỉnh tỷ giá của PBoC được nhìn nhận như là một bước đi để “giải vây” cho đồng NDT.

Cuộc chiến tiền tệ mới?

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp tuần tới, bước đi của PBoC còn được cho là để phòng ngừa rủi ro cho “sức khỏe” đang sa sút của nền kinh tế. Nhiều khả năng, đồng NDT sẽ còn hạ giá sâu hơn trong tương lai như những nhà lãnh đạo của PBoC đã nhiều lần “đánh tiếng” nhằm thực hiện cam kết thả nổi đồng nội tệ để được gia nhập giỏ SDR. Việc chính quyền Bắc Kinh hạ giá đồng NDT chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi thế về xuất khẩu và gia tăng tầm ảnh hưởng của đồng tiền này. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những “mồi lửa” cho một cuộc chiến tiền tệ mới khi các nền kinh tế châu Á khác vốn dựa nhiều vào xuất khẩu buộc phải hạ giá đồng tiền để đảm bảo lợi thế cạnh tranh.

Cuộc chơi thương mại toàn cầu ngày càng trở nên khốc liệt và sự phụ thuộc của các “cầu thủ” trên sân chơi này đã tạo ra vô số cạm bẫy, rủi ro. Sự hỗn loạn của thị trường quốc tế khi Trung Quốc phá giá NDT hồi tháng 8 là minh chứng rõ nhất cho điều này và buộc các nước trở nên nhạy cảm hơn trước các điều chỉnh chính sách của PBoC. Cuộc đua điều chỉnh tỷ giá tại các nước châu Á – Thái Bình Dương sẽ gây bất ổn cho thị trường tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi. Vì thế, các chuyên gia cảnh báo, đây là lúc những nhà điều hành khu vực phải thận trọng trước “liều thuốc thử” mang tên NDT sau cú sốc hồi tháng 8 vừa qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần