PC46 - lực lượng chủ công chống hàng giả, hàng nhái

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), CA TP Hà Nội luôn theo sát các ngành hàng trong đời sống kinh tế, đấu tranh trong các lĩnh vực như công nghiệp - xây dựng, kinh tế thương mại, tài chính, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, phòng chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT)...

Phá nhiều án lớn

Những năm gần đây, tình trạng sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng (TPCN) giả ngày một gia tăng. Quảng cáo TPCN rầm rộ khiến nhiều người lầm tưởng TPCN là một loại “thần dược”. Lợi dụng tâm lý này, nhiều đối tượng đã tiến hành sản xuất, buôn bán TPCN để kiếm lợi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, Đội Chống hàng giả và xâm phạm SHTT (Đội 8), PC46 đã làm rõ 4 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô, số lượng lớn.

 
Trung tá Giáp Thành Trung - Đội trưởng Đội 8 (PC46) kiểm tra tang vật một vụ án. Ảnh: Lan Hương
Trung tá Giáp Thành Trung - Đội trưởng Đội 8 (PC46) kiểm tra tang vật một vụ án. Ảnh: Lan Hương
Trong số 4 vụ này có vụ buôn bán hàng hóa TPCN giả do Hoàng Thị Hồng Liên cầm đầu. Đây không phải là đối tượng xa lạ gì với các chiến sĩ điều tra. Cách đây 2 năm, chính em ruột của Liên cũng đã bị Công an quận Đống Đa bắt giữ do buôn bán hàng giả. Đến lượt mình, đối tượng Liên cũng chính là “đầu sỏ” tổ chức đường dây sản xuất, buôn bán 10 tấn TPCN giả mà Đội 8 đã triệt phá thành công vào đầu năm nay.

Thượng tá Vũ Công Chí - Đội phó Đội 8 kể lại, hồi 11 giờ 5 phút ngày 24/1/2015, tại khu vực trước cửa số nhà 274 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, công an kiểm tra xe, phát hiện đối tượng điều khiển ô tô là Nguyễn Tuấn Linh. Trong xe phát hiện hàng trăm hộp TPCN gồm sữa ong chúa, Collagen... cùng nhiều đề can in tên các loại TPCN. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng nêu trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đại diện ủy quyền của Công ty TNHH Dịch vụ Hạnh phúc, đơn vị nhập khẩu độc quyền và phân phối sản phẩm sữa ong chúa Royal Jelly Costar 1.450mg khẳng định, toàn bộ số sữa ong chúa do Linh vận chuyển trên xe là hàng giả, không phải hàng do Công ty nhập khẩu, phân phối trên thị trường. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Linh khai nhận số hàng TPCN giả trên là của Liên, được Linh lấy từ các kho chứa hàng tại thị trấn Lim, Bắc Ninh mang đi tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Mở rộng điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra PC46 đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại 6 kho và ki ốt chứa hàng của đối tượng Liên, phát hiện hơn 10 tấn hàng hóa TPCN cùng nhiều máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng giả. Đồng thời, bắt giữ Liên và nhân viên là Nguyễn Công Việt. Các đối tượng khai nhận, sản xuất, buôn bán TPCN giả từ đầu năm 2014 đến nay. Thủ đoạn của các đối tượng là nhập mua TPCN từ Trung Quốc dạng sản phẩm rời viên nén, hộp, tem, nhãn..., sau đó đưa về tập kết tại các kho ở thị trấn Lim, tỉnh Bắc Ninh. Khi có khách gọi mua hàng mới đóng thành phẩm và mang đi tiêu thụ. Số TPCN giả được các đối tượng tiêu thụ chủ yếu tại TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Tinh nhạy, kiên trì

Thượng tá Vũ Công Chí cho biết, hiện nay, các đối tượng buôn bán hàng giả có rất nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm thực hiện được mục đích kiếm lời của mình. Rút kinh nghiệm từ các vụ án đã bị lực lượng công an triệt phá, các đối tượng quyết định không đặt kho và xưởng sản xuất tại Hà Nội mà tập trung sản xuất tại các tỉnh ngoài, lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên rồi xé lẻ đưa về Hà Nội tiêu thụ và trung chuyển nhằm xóa dấu vết trước cơ quan điều tra. Không những vậy, để đảm bảo an toàn, các đối tượng chỉ giao hàng cách nơi tập kết 15km trở lên để tránh bị phát hiện. Do vậy, công tác điều tra khám phá án phải đòi hỏi sự kiên nhẫn, chính xác để không bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt kẻ cầm đầu.

Sự tinh nhạy cũng là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của vụ án. Từ những quan sát ban đầu và tìm hiểu thị trường, các chiến sĩ nhanh chóng phát hiện ra sự xuất hiện của một luồng hàng hóa đang được đưa đến tay người tiêu dùng nhưng có giá bán rẻ hơn giá xuất khẩu, không có hóa đơn. Từ đó, các cán bộ, chiến sĩ tiếp tục thực hiện các công tác nghiệp vụ, giám định để xác định là hàng giả hay không. Rồi từ luồng hàng này, các cán bộ, chiến sĩ tiếp tục thực hiện công tác trinh sát lần theo các tuyến đường buôn trở ngược lại làm rõ những đối tượng nào tham gia chở hàng, giao cho ai, liệu đối tượng đã phải là đối tượng cầm đầu đường dây hay chỉ là khâu trung gian... Những thông tin này là vô cùng quan trọng bởi nếu xác minh nhầm điểm cuối của tuyến hàng giả, sẽ “bứt dây động rừng”, khiến chủ mưu thực sự chạy thoát. Cuối cùng, khi các đầu mối đã được thu thập, các chiến sĩ sẽ xác định địa điểm tập trung và sản xuất, đóng gói của lô hàng giả, quy luật hoạt động của bọn tội phạm để tổ chức tóm gọn cả ổ.

“Cá biệt, có vụ án, các cán bộ, chiến sĩ của Đội phải di chuyển liên tục đến các điểm biên giới để trinh sát. Vụ án đó chúng tôi phải mất đến 18 tháng để phá xong” - Thượng tá Vũ Công Chí chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng không hiếm những vụ cần tổ chức thực hiện thật nhanh, trước khi lô hàng giả được tuồn ra thị trường. Và yêu cầu cho những vụ truy xét “nóng” như vậy là khi bắt được một chân rết trong đường dây, phải đảm bảo quản lý đối tượng để không bị lộ thông tin cho các chân rết còn lại. Vì vậy, các chiến sĩ phải “chạy đua với thời gian”, bất kể ngày đêm đấu tranh khai thác. Kỷ lục là Đội 8 đã phá án một vụ hàng giả chỉ trong 5 ngày. Trong 5 ngày liên tiếp đó, có chiến sĩ đã thức liên tục đến đêm thứ 3 để khống chế đối tượng không cho liên lạc với chân rết còn lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần