Con số này giảm không nhiều so với số lượng 747 DN chưa lên sàn được Bộ Tài chính công khai trong năm 2017. Trong đó, có 295 DN thuộc các bộ ngành và 372 DN tại các địa phương.
Trong đó, Bộ Công Thương “đội sổ” với 13 Tập đoàn, Tổng Công ty có nhiều đơn vị thành viên sau cổ phần hóa (CPH) chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), Bộ Xây dựng và Bộ GTVT bằng nhau với 8 Tập đoàn, Tổng công ty… Danh sách này cũng gọi tên nhiều DN thuộc các Bộ NN&PNT, Bộ TT&TT, Bộ LĐXH…
Một số Tổng công ty, Tập đoàn lớn cũng bị điểm danh trong danh sách này. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có 5 công ty thuộc diện trên như: Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên - Huế, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex...
Hay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có các công ty gồm: Công ty cổ phần Đại lý hàng hải, Công ty cổ phần Than Miền Nam, Công ty cổ phần Kinh doanh than Cẩm Phả... Tập đoàn Dệt may còn 14 DN như Công ty cổ phần May Chiến Thắng, Công ty cổ phần Vinatex Tân Tạo, Công ty cổ phần Len Việt Nam, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Dịch vụ đầu tư.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện lực Hà Nội, Công ty cổ phần xây lắp Điện lực viễn thông Hà Nội. Tổng công ty Thép Việt Nam có Công ty cổ phần Thép tấm miền Nam, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê. Hay Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội có Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Bao bì Habeco...
Tổng Công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) cũng có 11 đơn vị đã CPH nhưng chưa lên sàn, gồm công ty CP Nhà và Đô thị HUD 8, CTCPĐT Nhà và đô thị HUD Sài Gòn, CTCP Tư vấn đầu tư và xâ dựng HUD-CIC, CTCP Đầu tư Tam Đảo, CTCP Phát triển Nhà xã hội HUD.VN…
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến nay, cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa vẫn là nguồn hàng hóa có chất lượng và chủ lực cho TTCK. "Về cơ bản, đây là các DN lớn dẫn đầu thị trường về mức vốn hóa cũng như về tính minh bạch và quản trị công ty, các doanh nghiệp này hoạt động khá hiệu quả đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời tạo nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao tính minh bạch thị trường…Tuy nhiên, việc gắn cổ phần hóa với niêm yết đến thời điểm này vẫn chưa được chú trọng”- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về việc DNNN CPH nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước ngày 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình này dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng.