Đó là thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức, ngày 10/1, tại Hà Nội.
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới dự, chỉ đạo và chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Dầu khí.
Những con số ấn tượng
Năm 2022, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức tác động rất lớn đến các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn..., Tất cả chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3-26%, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển.
Có thể nói, trong 3 năm gần đây bên cạnh những khó khăn chung, Petrovietnam còn chịu tác động bởi các khó khăn đặc thù. Song, tinh thần đoàn kết, sức mạnh, bản lĩnh của người lao động dầu khí càng được thể hiện rõ nét. Nhờ đó, Tập đoàn đạt được nhiều thành tích rất đáng ghi nhận.
Quản trị biến động đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, là yếu tố quan trọng, quyết định toàn diện đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh - đây chính là động lực, là phương thức quan trọng để Petrovietnam tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.
Sự năng động, chủ động, kịp thời, khoa học, hiệu quả, đồng bộ trong quản trị, điều hành đã mang lại kết quả, sản lượng sản xuất tất cả các sản phẩm thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, đặc biệt là năng suất lao động của Tập đoàn tăng 43% so với năm 2021.
Tập đoàn đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng Doanh thu toàn Tập đoàn tương đương gần 9,8% GDP cả nước và Nộp NSNN chiếm tỷ trọng 9,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Vận hành tối đa công suất các nhà máy lọc dầu, đáp ứng trên 75% nhu cầu xăng dầu cả nước, góp phần quan trọng trong việc khắc phục bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Các đại biểu chia sẻ tại sự kiện.
Luật Dầu khí năm 2022 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển cũng như phát triển năng lượng quốc gia.
Cơ chế nguồn xử lý tài chính cho Petrovietnam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được Chính phủ tháo gỡ tại Nghị định số 85 ngày 24/10/2022.
Tập đoàn đã tập trung Quản trị tốt danh mục đầu tư trong tất cả 05 lĩnh vực, tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách, giải ngân vốn đầu tư của Tập đoàn tăng 42% so với năm 2021; đã khởi động và hồi sinh Dự án nhiệt điện Thái Bình 2; đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; chuẩn bị các thủ tục để sẵn sàng tái khởi động dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1.
Năm qua, Tập đoàn đã duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, ổn định thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch tài chính đề ra. Thực hiện tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí với giá trị đạt trên 4,89 nghìn tỷ đồng, vượt 2,1 lần kế hoạch năm và tăng 52,2% so với năm 2021, bảo toàn và phát triển vốn.
Công tác chuyển đổi số đạt được những kết quả bước đầu, hình thành nền tảng đồng bộ của Petrovietnam. Tập đoàn đã hoàn thành tối ưu 06 bộ Quy chế Quản trị, số hóa toàn bộ và thường xuyên cập nhật trên các ứng dụng AI và tích hợp hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng nhà máy thông minh, tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và đạt được những lợi ích thiết thực.
Thực hiện thành công tái tạo văn hóa Petrovietnam góp phần nâng cao giá trị thương hiệu. Đã khẳng định và bồi đắp nền tảng giá trị cốt lõi văn hóa Petrovietnam đó là: “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” với sứ mệnh bảo đảm “Năng lượng cho phát triển”; phục hồi thương hiệu Petrovietnam - Tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước, tạo nên giá trị thương hiệu Petrovietnam năm 2022 đạt gần 1,3 tỷ USD- duy trì vị trí thương hiệu giá trị cao nhất Việt Nam.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2023
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Những thành quả đã đạt được là rất đáng tự hào đối với gần 60.000 người lao động Dầu khí sau 61 năm xây dựng và phát triển; song cũng là áp lực rất lớn để Tập đoàn triển khai kế hoạch năm 2023.
Dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thậm trí khó khăn, thách thức xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tạo sức ép rất lớn đến công tác quản trị, điều hành của Tập đoàn.
Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giao; Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm 2023 với mục tiêu và quyết tâm cao hơn so với kế hoạch năm 2022.
Cụ thể: Gia tăng trữ lượng dầu khí toàn Tập đoàn: 8-16 triệu tấn quy dầu; Khai thác dầu: 9,29 triệu tấn, cao hơn 520.000 tấn so với KH 2022; Khai thác khí: 5,94 -8,11 tỷ m3, cao hơn thực hiện năm 2022; Sản xuất đạm: 1,60 triệu tấn; Sản xuất điện: 24,0 tỷ kWh cao hơn 6,69 tỷ kWh so với thực hiện năm 2021; Sản xuất xăng dầu (không gồm Nghi Sơn): 5,53 triệu tấn.
Với phương án giá dầu năm 2023 đã được Quốc hội thông qua là 70 USD/thùng; các chỉ tiêu kế hoạch tài chính của Tập đoàn năm 2023 như sau: Doanh thu toàn Tập đoàn (không gồm NSRP): 677,7 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận Hợp nhất Tập đoàn: 34,0 nghìn tỷ đồng; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 78,3 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, để thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Petrovietnam quyết liệt triển khai tổng thể 06 nhóm giải pháp trọng tâm về: Cơ chế chính sách, Quản trị và quản lý doanh nghiệp, Tài chính, Đầu tư, Thị trường, KHCN; Đào tạo, phát triển đội ngũ.