Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chính thức chấp thuận nguyên tắc về việc sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank).
PGBank được phép sáp nhập vào HDBank. Ảnh minh họa. |
Phương án sáp nhập cũng đã được cổ đông của hai ngân hàng thông qua vào cuối tháng 4 vừa qua. Tỷ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là một cổ phiếu PGBank lấy 0,621 cổ phiếu HDBank.
Đóng cửa ngày 10/9, cổ phiếu HDB giao dịch tại mức giá 37.000 đồng. Cổ đông lớn nhất của PGBank hiện là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 120 triệu cổ phiếu.
Việc sáp nhập PGBank vào HDBank được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện giữa hai ngân hàng đang hoạt động bình thường để tạo ra một ngân hàng sau sáp nhập (HDBank) với tiềm lực tài chính mạnh hơn, quản trị điều hành tốt hơn, mạng lưới rộng khắp, cạnh tranh, cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư, mang lại lợi ích tốt hơn cho khách hàng, cộng đồng xã hội.
HDBank sau sáp nhập có quy mô vốn điều lệ đạt 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính và giới thiệu dịch vụ phủ khắp 63/63 tỉnh thành.
Việc sáp nhập này cũng dựa trên hợp tác chiến lược giữa HDBank với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Dự kiến cuối năm 2018, hai ngân hàng này sẽ chính thức hoàn tất công tác sáp nhập.
Với thêm khoảng hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý của Petrolimex, ngân hàng sau sáp nhập sẽ phát huy lợi thế hệ sinh thái độc đáo sẵn có mà HDBank sở hữu: tài chính ngân hàng, hàng không, tiêu dùng, dầu khí… để tiếp tục thực thi chiến lược ngân hàng bán lẻ SME và tiêu dùng hàng đầu Việt Nam.
Trước kế hoạch này, HDBank là ngân hàng có kinh nghiệm và năng lực quản trị điều hành trong hoạt động mua bán, sáp nhập. Năm 2013, HDBank sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn của công ty tài chính tiêu dùng SGVF (thuộc tập đoàn tài chính Societe Generale cộng hòa Pháp).