Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Văn hóa vẫn là ngọn đuốc dẫn đường, định hướng

Quang Vũ - Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một “hội nghị Diên Hồng” để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, cũng như là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa là hết sức cần thiết. Đó là nhận định được PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên trước thêm Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11.

Vẫn còn những điểm nghẽn cho sự phát triển văn hóa
75 năm qua, kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, nhận thức về nguồn lực văn hóa trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Đảng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng để tạo ra sự phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên,  một số nhận định cho rằng, văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với vị thế của mình, bởi nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa ở một số nơi, một số lúc vẫn bị coi nhẹ. Quan điểm của ông trước vấn đề này ra sao?
- Tôi cũng đồng quan điểm này. Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng. Văn hóa chưa phát triển tương xứng với vị thế của mình, theo tôi có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về phía khách quan, văn hóa luôn là lĩnh vực cần có độ trễ về thời gian để kết tinh giá trị. Những thay đổi về kinh tế, xã hội có thể diễn ra và thấy hiệu quả ngay lập tức, còn văn hóa thì không. Theo thang nhu cầu của Maslow, khi con người thỏa mãn những nhu cầu vật chất, lúc đó họ mới quay sang chú ý nhiều hơn đến yếu tố tinh thần.
Về phía chủ quan, dù Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của văn hóa, nhưng đúng là lúc này lúc khác, nơi này nơi khác, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa vẫn bị xem nhẹ. Văn hóa nhiều khi được xem như một lĩnh vực giải trí đơn thuần, có cũng được, không có cũng được, vì thế thường được đầu tư cuối cùng và cắt giảm đầu tiên khi gặp khó khăn. Điều này đã tạo ra rất nhiều điểm nghẽn cho sự phát triển văn hóa, từ đầu tư cho nguồn lực (tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực) tới những hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa.
 PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: VGP
Từ quan điểm của Đảng cũng như thực tế cho thấy, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước. Như vậy, nếu không nhận thức và đặt đúng vị thế của văn hóa, sẽ tạo ra những hệ lụy cho sự phát triển của văn hóa nói riêng, cũng như đời sống xã hội nói chung. Theo ông, trong thời gian tới, đâu là điều cần tập trung khắc phục?
- Nhiều vấn đề xã hội vừa qua cho chúng ta thấy, vấn đề chính nằm sau sự xuống cấp đạo đức xã hội, tệ nạn tham nhũng, hành vi lệch chuẩn, lối sống buông thả… đều liên quan đến văn hóa. Trong bối cảnh xã hội mới, văn hóa vẫn phải là ngọn đuốc dẫn đường, định hướng, khai sáng cho sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Nếu văn hóa không được coi trọng, đặt đúng vị trí thì hậu quả sẽ hết sức tai hại. Tầm quan trọng của văn hóa được xem như sự tồn vong của dân tộc. Văn hóa còn, đất nước còn, văn hóa mất, đất nước mất. Sự độc lập của một quốc gia sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu vẫn còn phụ thuộc vào văn hóa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nền văn hóa có sự va chạm, xung đột, có nguy cơ dẫn đến xâm lăng văn hóa. Nếu quốc gia nào không giữ gìn được bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc thì rất dễ có nguy cơ đồng hóa về văn hóa. Chưa kể đó còn là tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, đặc biệt của giới trẻ; đánh mất tiềm năng sáng tạo và sức mạnh tổng hợp quốc gia từ văn hóa dân tộc. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thiếu sống hoài bão, định hướng, còn tư tượng vọng ngoại, lối sống lai căng.
Trong thời gian tới, theo tôi, chúng ta cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam để định hướng sự tập trung của toàn xã hội và từng cá nhân đối với những mục tiêu quan trọng. Môi trường văn hóa còn thiếu lành mạnh tạo điều kiện cho các hành vi lệch chuẩn, không phù hợp, nhất là trên mạng xã hội, chi phối tới đời sống xã hội nói chung. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, nhà trường, ngoài xã hội, trên môi trường mạng chắc chắn phải là mối quan tâm lớn trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, chúng ta cần hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển văn hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra lợi thế cho sự phát triển đất nước từ văn hóa. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, giảm khoảng cách hưởng thụ giữa các vùng miền, khu vực, tộc người cũng là những nhiệm vụ cần phải giải quyết trong thời gian tới.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Văn hóa vẫn là ngọn đuốc dẫn đường, định hướng - Ảnh 2
 Một tiết mục tại Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020.
Cơ hội tuyệt vời để văn hóa phát triển
Một trong những mục tiêu được đặt ra trong thời gian tới là văn hóa sẽ tạo động lực khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Theo ông, văn hóa sẽ có vai trò thế nào để thực hiện được khát vọng ấy?
- Văn hóa hoàn toàn có khả năng khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước thông qua việc trở thành nền tảng tinh thần, hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, văn hóa chính là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Văn hóa sẽ tạo nên động lực tinh thần để người dân có thêm quyết tâm xây dựng đất nước.
Những gì chúng ta chứng kiến cho thấy văn hóa đã giúp nhân dân có tinh thần lạc quan vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19 bằng sự chia sẻ, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đã khẳng định thêm ý nghĩa, giá trị của văn hóa. Không chỉ là động lực tinh thần, văn hóa còn trở thành một lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa – một xu thế lớn trên thế giới. Do văn hóa là sáng tạo và khác biệt nên các sản phẩm văn hóa tạo nên lợi thế cạnh trên rất lớn, tạo điều kiện cho kinh tế đất nước phát triển.
Để hiện thực khát vọng phát triển, công nghiệp văn hóa đang là vấn đề được nhiều quốc gia chú trọng và tạo nên giá trị lớn về kinh tế, tuy nhiên ở Việt Nam điều này vẫn còn những hạn chế. Ông tin đến một thời điểm nào đó công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp đáng kể vào các mục tiêu tăng trưởng nói chung?
- Chúng ta đã có quan điểm của Đảng, chiến lược của Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, điều này cho chúng ta niền tin chắc chắn vào cơ hội phát triển của các ngành này. Chúng ta cũng thấy sự năng động của toàn xã hội trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khi có rất nhiều những bộ phim, bài hát, không gian sáng tạo đang thể hiện rất tốt việc khai thác giá trị văn hóa. Vấn đề của chúng ta hiện nay chỉ là hoạt động triển khai các quan điểm, chiến lược này trong thực tiễn cuộc sống.
 Di sản Hoàng thành Thăng Long
Năm 2019, theo báo cáo của Bộ VHTT&DL gửi tới UNESCO, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã là 3,61%, vượt chỉ tiêu là 3% vào năm 2020. Cùng với  quyết tâm của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII, cũng như Hội nghị văn háo toàn quốc lần này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đến năm 2030, chỉ tiêu 7% đóng góp cho GDP là hoàn toàn có thể khả thi, từ đó chứng minh vai trò của văn hóa trong việc phát triển kinh tế cho đất nước.
 Để hiện thực hóa vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, bước sang thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng có nhiều nghị quyết về văn hóa văn nghệ, nổi bật là Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 33 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Vậy ông có kỳ vọng gì đặc biệt vào hội nghị quan trọng này?
- Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được xem như một hội nghị Diên Hồng về văn hóa, là cơ hội để lắng nghe ý kiến của toàn xã hội và để lãng đạo Đảng và Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng, quyết tâm về văn hóa.
Sau hội nghị này, chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực, sâu sắc trong  nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa, từ đó tạo thành hành động của các cấp, các ngành, các địa phương cho phát triển văn hóa. Đây là cơ hội tuyệt vời để văn hóa phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững đất nước.
Xin cảm ơn ông!