PGS. TS Bùi Thị An: Hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đến từ sự chủ động

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiên tai, dịch bệnh là những sự cố ngoài ý muốn của con người, không ai muốn xảy ra, dịch bệnh Covid-19 lần này cũng vậy.

Tuy nhiên, trong quá trình ứng phó, đã thể hiện rất rõ về hiệu lực, hiệu quả hoạt động, năng lực điều hành và giải quyết vấn đề trong thực tiễn của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương. PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Chủ động đối mặt với “phép thử” lớn từ cuộc sống
Cuộc chiến chống Covid-19 đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Vậy phân tích lại những giải pháp đã được Chính phủ, chính quyền các cấp thực thi trong thời gian qua, theo bà có những điểm gì đáng lưu ý?
- Trước hết phải nói rằng, chúng ta đang bước sang năm cuối cùng thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với những áp lực lớn trong việc thực hiện những chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra. Tuy nhiên, ngay từ tháng đầu tiên năm 2020, chúng ta đã phải đối mặt với một “phép thử” lớn từ cuộc sống, đó là đại dịch Covid- 19.
PGS. TS Bùi Thị An.
Qua thực tiễn có thể thấy, dù đang còn rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng không thể phủ nhận, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn thể người dân, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, những giải pháp nước ta đang thực hiện được Nhân dân trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo tôi, kết quả ấy đến sự phản ứng nhanh, kịp thời, nhạy bén và chính xác của Chính phủ nói chung và các chính quyền địa phương, trong đó có TP Hà Nội, nói riêng, đã đánh giá đúng tình hình, chủ động đề ra các giải pháp quyết liệt và tổ chức thực thi sớm. Các chỉ đạo, giải pháp cấp bách liên tục được đưa ra ở mỗi giai đoạn cụ thể, tùy vào tình hình thực tiễn; cả hệ thống chính trị không ai đứng ngoài, mà đều phải vào cuộc.
Công tác tuyên truyền được chú trọng đặc biệt, để mỗi người dân hiểu rõ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh; phương pháp khoanh vùng, cách ly được đặt lên hàng đầu; thông tin về các ca nhiễm được minh bạch… Chính những điều đã tạo thêm niềm tin trong dân. Người dân từ chỗ hoang mang lo lắng, hoảng loạn, thậm chí sợ hãi đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và an tâm tin tưởng hơn khi chúng ta nhanh chóng khoanh vùng và cách ly những người nhiễm dịch cũng như các đối tượng nghi nhiễm.
Có thể nói rằng, ý Đảng, lòng dân đã hòa vào một, tạo thành sự đồng thuận lớn. Ví dụ như khi Chính phủ có quy định về cách ly toàn xã hội, dù phải thay đổi thói quen hàng ngày, nhưng người dân đã sẵn sàng đồng tình và thực hiện ngay. Đó là thể hiện lòng tin, lòng tin đó sẽ góp phần tan tỏa, tạo lên sức mạnh rất lớn.
Vậy hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp đã được thể hiện ra sao qua cuộc phòng chống dịch lần này, thưa bà?
- Trong chỉ đạo, điều hành, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương thể hiện ở rất nhiều mặt, nhiều khía cạnh, nhưng ở đây theo tôi thể hiện ở việc sử dụng quyền, trách nhiệm của mình để ứng phó và xử lý với các tình huống khẩn cấp. Nhìn từ thực hiện phòng chống dịch bệnh hiện nay, tôi thấy rằng, không chỉ Chính phủ chủ động, mà chính quyền địa phương các cấp cũng rất chủ động trong ứng phó với tình hình.
Trong cuộc chiến này, trên nóng, dưới cũng nóng. Hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương đã thể hiện rất rõ ở sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu. Nhiều cấp chính quyền đã mạnh dạn áp dụng những biện pháp phù hợp với đặc thù của địa phương mình, đi trước một bước để ứng phó với diễn biến của dịch.
Như tại Hà Nội, một đô thị lớn, để kiểm soát tình hình dịch bệnh không hề dễ nếu không có sự sáng tạo, nắm chắc thực tiễn. Nhưng lãnh đạo và các cơ quan chức năng của TP đã nhìn rất rõ thực tế, nắm chắc tình hình và có những giải pháp cụ thể, kịp thời sát với tình hình địa phương và tạo ra những hiệu quả bước đầu, từng bước khoanh được, ngăn được, loại dần được những hậu quả xấu của dịch bệnh. Chỉ trong vòng chưa đến một tháng qua, hàng loạt biện pháp mạnh mẽ đã được triển khai để kiểm soát dịch bệnh. Qua báo chí tôi thấy, văn bản tiếp nối văn bản được ban hành, gần như mỗi ngày đều có những chỉ đạo mới, từ chỉ đạo thực hiện văn bản của T.Ư, cho tới những tình huống mới phát sinh trong thực tiễn.
Chỉ cần có thông tin ai vừa tiếp xúc với người mắc hoặc nguy cơ lây cao là mọi lực lượng từ phường, xã đến tổ dân phố áp sát, tìm nguyên nhân, điều tra kỹ tình trạng sức khỏe, lộ trình đi lại, những người đã tiếp xúc để có biện pháp cách ly khẩn trương. Hay trước tâm lý hoang mang, sợ hãi, khiến người dân ồ ạt đổ xô đi mua hàng, các cấp chính quyền của Hà Nội cũng đã vào cuộc ngay. Các phương án về chuẩn bị lượng hàng hóa được công khai, người dân đã cảm thấy yên tâm hơn khi mọi mặt hàng nhu yếu phẩm luôn đầy ắp trên các kệ của siêu thị và chợ dân sinh.
Hay sau khi xảy ra các ca nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai, TP cũng đã rất nhanh chóng chỉ đạo các quận, huyện khoan vùng, cách ly các trường hợp từng đến bệnh viện này, tổ chức xét nghiệm nhanh cho hàng nghìn người. Đây thực sự là một công việc không dễ dàng gì nhưng Hà Nội đã phối hợp thực thi được. Đồng thời, những thông tin được cung cấp minh bạch, kịp thời tới người dân cũng tạo niềm tin mới vào những hiệu quả sẽ mang lại.
Không chỉ ở cấp TP, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền còn được thể hiện rõ nét từ cấp cơ sở, thậm chí từ hệ thống cán bộ cơ sở nhỏ nhất là thôn, tổ dân phố. Dù giai đoạn đầu có sự lúng túng bởi đây là cuộc chiến rất mới, nhưng sau đó đã vào cuộc rất nhanh.
Cũng chính nhờ hệ thống chính quyền cơ sở nhỏ này mới có thể nhanh chóng tìm ra được các đối tượng liên quan, cách ly, khoanh vùng hiệu quả. Có thể nói rằng, chính sự đồng lòng từ chính quyền các cấp đã nhân lên thành sức mạnh to lớn, loại bỏ sức ì trong bộ máy.
“Gian nan thử sức”
Có ý kiến cho rằng, qua phòng chống dịch bệnh lần này cũng là cơ sở để đánh giá cán bộ chính quyền các cấp. Quan điểm của bà trước ý kiến này ra sao?
- Tôi đồng ý với quan điểm này. Phải nói rằng, qua thực tế khắc nghiệt này sẽ đánh giá được vai trò và trách nhiệm của cán bộ chính quyền các cấp. So với các dịch bệnh từng xảy ra, dịch Covid -19 lần này có quy mô rộng hơn, mức độ trầm trọng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế - xã hội và nhiều mặt trận khác.
Chúng ta rất xúc động trước rất nhiều tấm gương đáng quý của các lực lượng đang trực tiếp hoặc gián tiếp chiến đấu với dịch bệnh; nhiều cán bộ lãnh đạo hết lòng vì công việc. Nhưng chính bối cảnh khó khăn hiện nay càng đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp cần quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và phải có trí tuệ, cùng với tập thể lãnh đạo, xử lý những tình huống, vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt.
Hay nói cách khác, qua thực tiễn chà sát, sẽ thấy rõ được người cán bộ thật sự tiên phong, có tinh thần trách nhiệm trước dân, hết lòng chăm lo cho lợi ích chính đáng, thiết thực của người dân, không thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn. Dù nhiệm vụ phòng chống dịch là yêu cầu bắt buộc, không thể ai đứng ngoài cuộc như đã nói, nhưng như dân gian hay nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhìn ở một góc độ nhất định, qua đây cũng góp phần đánh giá rõ hơn cán bộ chính quyền các cấp.
Theo bà, qua thực tiễn vừa qua, có những bài học gì có thể rút ra để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp trong cuộc chiến chống dịch cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng được đặt ra?
- Như tôi đã nói, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương đến từ chính sự chủ động, sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn. Không chỉ chủ động thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, mà còn chủ động đề ra các giải pháp sát với tình hình địa phương mình. Điều này nghe có vẻ rất lý thuyết, nhưng đây là bài học rất quan trọng đã được thực tiễn chỉ ra.
Bởi như trong phòng chống dịch, nếu cứ bị đồng ngồi chờ chỉ đạo mới thực thi thì sao “đuổi” kịp virus lan truyền từng ngày được. Sau nữa là trách nhiệm với cộng đồng cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp sẽ khiến người dân ủng hộ, chấp hành và tự nguyện tham gia không chỉ với công tác phòng chống dịch mà vào mọi nhiệm vụ khác. Tôi tin là vậy.
Xin cảm ơn bà!

"Nhìn từ thực hiện phòng chống dịch bệnh hiện nay, tôi thấy rằng, không chỉ Chính phủ chủ động, mà chính quyền địa phương các cấp cũng rất chủ động trong ứng phó với tình hình. Trong cuộc chiến này, trên nóng, dưới cũng nóng. Hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương đã thể hiện rất rõ ở sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu. Nhiều cấp chính quyền đã mạnh dạn áp dụng những biện pháp phù hợp với đặc thù của địa phương mình, đi trước một bước để ứng phó với diễn biến của dịch" - PGS. TS Bùi Thị An

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần