70 năm giải phóng Thủ đô

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Doanh nghiệp tư nhân cần có tư duy dài hạn

Thủy Tiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề kinh tế tư nhân, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đại biểu Quốc hội cho rằng, cả hệ thống chính trị đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính kinh tế tư nhân cũng phải có tư duy mới, đóng góp tích cực hơn vào kinh tế đất nước.

Kỷ lục doanh nghiệp mới
Thưa ông, động lực lớn nhất mà Nghị quyết 10 – NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XII về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” đã tạo ra đến thời điểm này là gì?
 PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
- Nghị quyết 10 đã tạo ra một bước ngoặt về quan điểm của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Nghị quyết này, Đảng đã xác định rõ kinh tế tư nhân là nền tảng của kinh tế thị trường.
Với quan điểm đó, tất cả đường lối chính sách của Đảng cũng như các chính sách quản lý của Nhà nước đang và sẽ chuyển hướng theo tinh thần đặt kinh tế tư nhân thành đối tượng trung tâm; Tạo lập điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu DN. Điều này không chỉ nằm ở chủ trương, mà đã trở thành khuôn khổ pháp lý khi tháng 6/2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Theo ông, tốc độ và hiệu quả đổi mới của DN Việt nói chung và DN Thủ đô nói riêng đang ở mức nào?
- Những năm qua, Chính phủ đã quyết tâm trong tái cơ cấu DN Nhà nước. Trước kia, những ngành, lĩnh vực có DN Nhà nước bao giờ cũng có những điều kiện đặc thù. Song, khi Nhà nước thoái vốn khỏi nhiều DN, sẽ tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho kinh tế tư nhân, có điều kiện tham gia vào các hoạt động ở lĩnh vực mà trước đây coi là “sân” của khu vực công. Năm 2016, chúng ta ngỡ ngàng với con số 110.000 DN mới, đến cuối năm 2017, cả nước có 127.000 DN mới. Vậy là kỷ lục về số lượng DN đăng ký mới trong 2 năm liên tiếp bị phá vỡ.
Không chỉ vậy, đóng góp của kinh tế tư nhân cũng ngày càng lớn. Năm 2017, khu vực DN Nhà nước nằm trong trạng thái thoái vốn, cải cách, cải tổ nên đóng góp vào tăng trưởng kinh tế giảm. Nhưng tình hình chung, kinh tế Việt Nam lại khởi sắc và tăng trưởng ngoạn mục (tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 đạt 6,81%). Vậy rõ ràng tăng trưởng đó có được nhờ một phần vào sự phát triển của kinh tế tư nhân.
 Dây truyền sản xuất linh kiện.
Riêng với Thủ đô, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2017. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư, có 25.160 DN được thành lập mới với vốn đăng ký đạt 240 tỷ đồng. Hiện bình quân 38 người dân Thủ đô có một DN, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung cả nước. Cộng đồng DN Thủ đô đã tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho hơn 140.000 lao động. Đồng thời, sự ra đời của nhiều DN mới cũng kéo theo nhiều loại hình kinh doanh mới theo hướng công nghiệp và dịch vụ.
Đổi mới là tất yếu
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu về đổi mới của các DN trong nước như thế nào, thưa ông?
- Trong bối cảnh hiện nay, việc nhanh chóng đổi mới là yêu cầu tất yếu. Trước hết, các phương thức hoạt động của DN đòi hỏi phải chuyển đổi nhanh sang hướng ứng dụng công nghệ mới, áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 như thương mại điện tử, hệ thống liên kết đồng bộ với khách hàng và giữa các nhà sản xuất. Nếu biết cách khai thác và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nguồn nhân lực này sẽ tạo sức cạnh tranh cho DN. Vì thế, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải lựa chọn những DN có sức cạnh tranh, tạo lập được những công nghệ tiên tiến và đột phá.
Theo ông, chính quyền TP Hà Nội cần làm gì để tạo môi trường thuận lợi cho DN đổi mới?
- Hiện nay, chính quyền TP Hà Nội đang chủ trương xây dựng chính quyền đô thị và đô thị thông minh. Đây vừa là yêu cầu, vừa là cơ hội đối với các DN tư nhân, giúp họ xác định được chỗ đứng trong thị trường và hướng vào các dịch vụ xây dựng đô thị thông minh. Thực tế, các DN ra đời hầu hết có ý tưởng táo bạo, nhưng lại hạn chế về nguồn lực. Vì vậy, để giúp DN tư nhân khởi nghiệp, TP cần thúc đẩy hơn các trung tâm về khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp… Cùng với quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, hướng tới xây dựng chính quyền liêm chính, chính quyền phục vụ, kiến tạo, đòi hỏi các cơ quan công quyền hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với DN, đáp ứng nhu cầu DN, phải thể hiện được sự chuyển động này.
Xin cảm ơn ông!