Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS TS. Lê Văn Cương: Triệt để loại bỏ tham nhũng - yêu cầu và cũng là lòng dân

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếu ai hỏi tôi nhiệm kỳ khóa XII vừa rồi, đâu là điểm nổi bật nhất, tôi cho là kết quả phòng, chống tham nhũng (PCTN) chính là một trong những dấu ấn đặc biệt nhất, quan trọng nhất. Đây chính là tiền đề để trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, công cuộc PCNT do Đảng phát động sẽ bước sang một giai đoạn mới, ngày càng quyết liệt, triệt để” - Thiếu tướng, PGS TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) nhấn mạnh trong khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Tạo ra một bước ngoặt

Là một người rất quan tâm đến công tác PCTN, từ góc nhìn riêng, ông đánh giá thế nào về kết quả PCTN trong 5 năm vừa qua?

- Trước hết phải khẳng định rằng, không phải đến những năm vừa qua chúng ta mới quan tâm đến PCTN, trước đó có hàng chục Nghị quyết của T.Ư liên quan đến vấn đề này, cũng đã giải quyết được một phần. Nhưng phải đến khóa XII, việc PCTN, xử lý những vi phạm trong cán bộ mới để lại dấu ấn lớn. Ban chấp hành T.Ư và trực tiếp là Bộ Chính trị, trong đó có vai trò quyết định của người đứng đầu Đảng ta, với quyết tâm chính trị cao đã có những chỉ đạo, ban hành nhiều quy định siết chặt hơn công tác cán bộ, chấn chỉnh việc rèn đạo đức, lối sống của người đảng viên, cán bộ chủ chốt, ngăn ngừa, xử lý các sai phạm. Không chỉ dừng ở nghị quyết, mà chuyển hóa vào thực tiễn, đã tạo ra bước đột phá. Tôi rằng cho đây là thành tựu, bước ngoặt, là kết quả của quyết tâm chính trị.
Điều này đã chứng minh bằng những con số cụ thể với 113 cán bộ cấp cao bị xử lý, một số vướng vòng lao lý; hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên các cấp bị kỷ luật. Trong vòng 5 năm xử lý như thế là lớn, hết sức quyết liệt, không có vùng cấm, không nhân nhượng, với tinh thần bất cứ cán bộ nào sai phạm ở đâu sẽ bị xử lý đúng theo pháp luật đến đấy. Qua đấu tranh PCTN, Đảng và Nhà nước phát hiện ra nhiều sơ hở trong công tác cán bộ, công tác quản lý, đặc biệt là quản lý ngân hàng, quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước… Qua những vụ việc phát hiện yếu kém, sẽ góp phần siết chặt kỷ cương và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Kết quả của PCTN cũng đã có tác dụng răn đe trực tiếp và gián tiếp đối với cán bộ đương chức. Chính vì thế làm cho những hành động bất chấp luật pháp giảm hẳn xuống. Những kẻ có ý đồ tham nhũng cũng phải suy nghĩ, lo sợ. Chính những kết quả đó đã góp phần quan trọng, mà theo tôi là quan trọng nhất để củng cố niềm tin của dân với Đảng. Bởi thực tiễn cách mạng cho thấy, niềm tin của dân với Đảng chính là điều vô giá, không chỉ tạo sức mạnh cho Đảng mà cả cho dân tộc và đất nước nữa.

Vậy, việc củng cố và nâng cao lòng tin của người dân với Đảng có thể coi là kết quả lớn nhất, thành công lớn nhất của cuộc chiến chống tham nhũng này chứ không phải việc xử được bao nhiêu cán bộ, thưa ông?

- Đúng thế, quan trọng nhất của công cuộc PCTN là củng cố lòng dân đối với Đảng. Bởi trong cuộc đấu tranh này nếu chỉ nói suông và không hành động thì người dân sẽ không tin. Tôi cho rằng, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong cuộc chiến này là "không có vùng cấm" đã hoàn toàn đúng đắn. Những vụ việc xử lý kỷ luật về tham nhũng tạo ra kết quả đặc biệt, tạo ra bước ngoặt trong đấu tranh chống tham nhũng và kết quả này đã tạo ấn tượng mạnh mẽ, tạo lòng tin của đảng viên và người dân với Đảng.

Điều quan trọng nữa là thông qua cuộc đấu tranh PCNT này, bộ máy của nhà nước sẽ trong sạch hơn, gần dân và vì dân hơn; tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh hơn, thân thiện hơn.. Nói khác đi, chính cuộc đấu tranh PCTN và suy thoái này đã gieo vào lòng người dân một tình cảm mới đối với Đảng, thúc đẩy sự phát triển, thể hiện ở kết quả các lĩnh vực trong nhiệm kỳ qua đều rất nổi bật, bao gồm cả kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đây là một điểm sáng được người dân hết sức ủng hộ, đồng tình.

Bởi thế, nếu ai hỏi tôi nhiệm kỳ 5 năm khóa XII vừa rồi, nếu chọn dấu ấn quan trọng nhất, tôi sẽ chọn kết quả trong PCTN. Đó là nhận định riêng của tôi, nhưng tôi cho rằng rất nhiều người dân, đảng viên cũng chia sẻ quan điểm giống như tôi. Sự phát triển của cuộc đấu tranh này tạo ra một thế mới cho Đảng ta, là "ý Đảng, lòng Dân". Mà khi "ý Đảng, lòng Dân" gặp nhau là nước sẽ mạnh.

Tin vào sự đột phá trong giai đoạn mới

Việc kịp thời khắc phục những “khoảng trống, khe hở” để “không thể tham nhũng”, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực đang tiếp tục được đặt ra. Theo ông, trong vấn đề này có điểm gì cần lưu ý?

- Về khoa học, tham nhũng là tha hóa của công quyền. Người dân trao cho công chức quyền lực, họ phải có trách nhiệm dùng quyền lực ấy để mưu lại lợi ích cho cộng đồng, nhưng một số quan chức lại dùng cái công quyền ấy để mưu lợi cá nhân, bè nhóm, gia đình. Chúng ta hay nói “biến công quyền thành tư quyền”.

Hiện Bộ Chính trị đã có một số quy định để “kiểm soát quyền lực”, trong đó có vấn đề chạy chức, chạy quyền. Đây là khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những hạn chế trong công việc "gốc" của Đảng. Tuy nhiên, nhiệm kỳ XIII cần có cơ chế sâu hơn nữa và được đề cập kỹ hơn trong Nghị quyết của Đảng. Bởi chúng ta giao quyền lực và nguồn lực cho cán bộ nhưng không giám sát, sẽ không thể PCTN triệt để được. Để phòng ngừa tham nhũng “ngóc đầu dậy”, T.Ư nên chỉ đạo các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn vấn đề giám sát quyền lực; tổ chức lại hệ thống giám sát quyền lực của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tăng hơn nữa công khai minh bạch trong mọi hoạt động của các cơ quan công quyền để dân giám sát, đây là giải pháp phòng ngừa để không dám tham nhũng.

Như ông đã phân tích, có thể thấy lòng tin của Nhân dân với công cuộc PCTN đang lên cao hơn bao giờ hết, vậy cá nhân ông có những kỳ vọng ra sao với vấn đề này trong nhiệm kỳ XIII này?

- Trong các văn kiện Đại hội XIII đã đề cập đến yêu cầu, nhiệm vụ trong PCTN với một quyết tâm chính trị rất cao. Mỗi người dân đều mong muốn Đảng bằng mọi cách triệt để loại bỏ tham nhũng trong bộ máy công quyền, tiêu diệt tận gốc rễ tham nhũng. Theo tôi, đó là những yêu cầu, mong muốn chính đáng, cũng chính là lòng dân. Tôi nghĩ rằng, những kết quả đã đạt được trong 5 năm vừa qua sẽ tạo tiền đề để thúc đẩy công cuộc PCTN ở giai đoạn mới. Tôi hoàn toàn tin tưởng điều này!

Hơn thế nữa, trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, tôi thấy có nhiều điều rất tâm đắc, đó là quan điểm tiếp tục cuộc đấu tranh PCTN không ngừng nghỉ, tiếp tục đẩy đến cùng. Quyết tâm của BCH T.Ư, của Đại hội sẽ biến thành hiện thực khi nhiều giải pháp để phòng ngừa được thực thi. Trong đó có những giải pháp rất hay và tôi rất kỳ vọng, đó mở rộng thi tuyển cán bộ, ở cấp sở với địa phương, cấp vụ, cục với cơ quan T.Ư. Thi tuyển là việc công khai minh bạch trong công tác cán bộ để PCTN, đó là điểm mới. Một điểm nữa là văn kiện cũng nhấn mạnh đến cơ chế giám sát quyền lực, vì quyền không giám sát thì tha hóa. Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có khả năng thực hiện PCTN có hiệu quả lâu dài, củng cố sức mạnh chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng với dân cùng một ý chí, tạo ra sức mạnh của đất nước, đảm bảo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành công hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

"Tôi tin rằng, từ Đại hội XIII của Đảng, cuộc đấu tranh PCTN tiếp tục đẩy lên, bước thêm một bước ngoặt mới và càng làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới." - PGS TS. Lê Văn Cương