Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi trao đổi với một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
Phục hồi sớm hơn dự kiến
Sau một thời gian dài chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, vận tải hàng không đã và đang dần trở lại với dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua. Ông đánh giá thế nào về tốc độ phục hồi của vận tải hàng không từ đầu năm đến nay?
- Có thể nói trong vòng 2 năm qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, ngành hàng không đã phải gánh chịu những thiệt hại rất nặng nề. Thậm chí, có những thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, gần như mọi hoạt động vận tải hàng không nội địa và quốc tế đã bị đóng băng. Đây chính là giai đoạn khó khăn nhất của ngành hàng không.
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các DN hàng không, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là những diễn biến tích cực từ kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua, vận tải hàng không đã dần trở lại.
Đặc biệt, từ đầu năm 2022 khi các đường bay quốc tế được nối lại và chính sách mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, hàng không đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Có thể nói, đà phục hồi của ngành hàng không trong thời gian qua là rất ấn tượng và sớm hơn dự kiến. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho riêng ngành hàng không mà của cả nền kinh tế.
Điều dễ nhận thấy nhất trong cao điểm 30/4 và 1/5 vừa qua chính là việc người dân đã cởi bỏ được tâm lý e ngại với dịch bệnh như trước kia để thoải mái thực hiện những chuyến du lịch.
Mọi người đều đã yên tâm sống chung với dịch bệnh rồi. Những tín hiệu rất lạc quan trên, hoàn toàn có thể tin tưởng hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nữa, ấn tượng hơn nữa trong thời gian tới.
Nhìn vào thị trường vận tải hàng không Việt Nam trong thời gian qua, giới chuyên môn cho rằng trong khi bay nội địa đã gần như “lấy lại phong độ” thì bay quốc tế vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?
- Để đánh giá một cách chính xác nhất về việc vận tải hàng không quốc tế đang phục hồi đúng như kỳ vọng hay không thì cần có số liệu thống kê cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, với những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua, nhất là từ khi chúng ta “mở cửa bầu trời”, vận tải hàng không quốc tế vẫn đang có sự phục hồi tốt.
Đương nhiên, so với thị trường nội địa, vận tải hàng không quốc tế có những đặc trưng riêng nên sự phục hồi của hai thị trường này cũng không giống nhau. Sự phục hồi của vận tải hàng không quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào mùa du lịch và thường chậm hơn so với thị trường nội địa cũng là điều bình thường.
Nhiều rào cản phải vượt qua
Đúng vào thời điểm vận tải hàng không bắt đầu phục hồi sau đại dịch thì “bão giá” nhiên liệu ập tới. Việc giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng như thế nào đến vận tải hàng không, thưa ông?
- Chi phí nhiên liệu xăng, dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải nên khi xăng dầu tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải, trong đó có vận tải hàng không. Việc xăng, dầu tăng giá đúng vào thời này đã ảnh hưởng đáng kể đến đà phục hồi của vận tải hàng không.
Hiện nay, các hãng hàng không đã có động thái ứng phó với việc giá xăng, dầu tăng cao, đó là bổ sung khoản phụ phí vào giá vé. Việc tính phụ thu này được thực hiện trong một thời gian nhất định. Chừng nào giá xăng, dầu giảm xuống, phụ phí này cũng sẽ giảm theo hoặc có thể tiến tới bỏ hẳn khi giá mặt hàng này trở lại mức như ban đầu.
Việc tính thêm phụ thu giá xăng, dầu vào giá vé máy bay sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Song, đây là giải pháp cần thiết để đối phó với cơn “bão giá” mà các hãng hàng không cần phải thực hiện để đảm bảo doanh thu.
Ngoài giá xăng, dầu tăng cao, việc phục hồi vận tải hàng không còn đang gặp phải những rào cản nào nữa, thưa ông?
- Sự phục hồi của vận tải hàng không, nhất là vận tải hàng không quốc tế phụ thuộc rất lớn vào lượng khách du lịch. Hiện nay, dù nước ta đã mở cửa du lịch với thế giới nhưng khách du lịch không thể tăng lên nhanh chóng trong một sớm một chiều được. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi chính thức bước vào mùa du lịch hè, khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam chắc chắn sẽ tăng cao, khi đó vận tải hàng không cũng phục hồi mạnh mẽ hơn.
Một điều quan trọng nữa, sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, hiện tâm lý người dân đã dần trở lại bình thường, không còn tâm lý e ngại và hạn chế di chuyển như trước kia mà giờ mọi người đều có thể chung sống an toàn với dịch bệnh.
Bằng chứng là trong kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 vừa qua, các điểm du lịch trên cả nước đều rất đông khách. Thậm chí có nơi còn đông không khác gì thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện. Tâm lý sống chung an toàn với dịch bệnh cũng đã có tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Đây sẽ là tiền đề để vận tải hàng không kỳ vọng vào một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần. Tất nhiên, để có thể trở lại đà phát triển như trước khi Covid-19 xuất hiện, vận tải hàng không sẽ cần thêm một thời gian nữa, có thể là một hoặc vài năm.
Theo ông, vận tải hàng không cần gì để “phá băng”, vượt qua các rào cản nhằm tạo đà phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới?
- Giai đoạn khó khăn nhất của hàng không có lẽ đã qua rồi. Ngành hàng không nước ta, với sự nỗ lực tự thân và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong thời gian qua, hiện đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Điều đáng mừng, trong suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 tàn phá, không một DN hàng không nào của nước ta bị phá sản, dừng hoạt động. Đây là điều rất đáng mừng.
Hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 dần qua đi, vận tải hàng không cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Thế nhưng, để giúp hàng không phục hồi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn vẫn cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ. Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, dòng tiền bền vững cho DN hàng không nhằm có thể sớm phục hồi và phát triển.
Xin cảm ơn ông!
"Hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 dần qua đi, vận tải hàng không cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Thế nhưng, để giúp hàng không phục hồi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn vẫn cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ. Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, dòng tiền bền vững cho DN hàng không nhằm có thể sớm phục hồi và phát triển." - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống