Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Phạm Quang Long: Phát triển văn hóa cần được quan tâm ngang bằng với phát triển kinh tế

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được rất nhiều chuyên gia, văn nghệ sĩ trong cả nước quan tâm, kỳ vọng. Nhân dịp này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Quang Long – nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội để nhìn thẳng nói thật về các vấn đề của văn hóa trước thềm diễn ra Hội nghị.

Văn hóa chưa bao giờ bị xem nhẹ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Xin ông cho biết trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng đã đặt vị thế của văn hóa trong sự phát triển chung như thế nào?

-Nói cho đúng với lịch sử thì từ khi mới thành lập Đảng đã chú ý tới vai trò của văn hóa trong cuộc cách mạng xã hội. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 được coi là tuyên ngôn đầu tiên về văn hóa của Đảng. Đó là tư tưởng về một nền văn hóa cứu quốc vì nó tập trung cho quá trình chuẩn bị cho cuộc cách mạng giành chính quyền về tay Nhân dân. Và đến năm 1948 trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 tinh thần ấy lại được cụ thể hơn trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày. Tư tưởng văn hóa soi đường cho quốc dân đi được cụ thể hóa hơn trong những đường hướng về một nền văn hóa dân chủ Nhân dân mà trong hoàn cảnh bấy giờ được xác định là văn hóa kháng chiến, kiến quốc (kháng chiến hóa hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến).
PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Rồi sau này, trong các kỳ đại hội, cương lĩnh xây dựng đất nước, các Nghị quyết chuyên đề của T.Ư, các bài viết của các lãnh tụ của Đảng vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người luôn được đặt ra ở vị trí rất quan trọng, có thể nói là trung tâm của chiến lược cách mạng. Nó mang ý nghĩa mở đường, huy động được sức mạnh văn hóa của toàn dân vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Có thể nói chế độ đã tạo dựng được một nền tảng văn hóa yêu nước rất vững chắc mà tinh thần thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ và không có gì quý hơn độc lập tự do là nền tảng. Đó là cốt cách và bản lĩnh dân tộc. Rồi sau này văn hóa được xác định là nhân tố nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội và động lực cho sự phát triển cũng là những nhận thức mới. Gần đây nhất, trong đại hội XIII, văn hóa được gắn với mục tiêu đem lại hạnh phúc cho Nhân dân. Có thể thấy từ chỗ nhìn nhận văn hóa nghiêng về phía tư tưởng hệ, nhấn mạnh tính chất chính trị của văn hóa Đảng đã điều chỉnh nhận thức về phía bản chất của văn hóa như là nhân tố đem lại sự phát triển bền vững của một xã hội, cộng đồng, là mục tiêu của sự phát triển, đem lại sự hài hòa cho con người với môi trường, đem lại hạnh phúc cho con người. Chưa bao giờ vấn đề văn hóa và con người trong quan điểm của Đảng bị xem nhẹ nhưng trước đây do nhận thức chưa đầy đủ, do thực hiện chưa đồng bộ mà mục tiêu văn hóa và con người chưa phát triển như mong muốn.

Nhận thức chưa đúng tầm

Việc đầu tư cho văn hóa ở từng giai đoạn đôi khi chưa có chiều sâu, văn hóa chưa được đánh giá ngang bằng với chính trị, kinh tế, xã hội. Theo ông lý do vì sao?

- Tôi cho rằng có cả nguyên nhân về nhận thức lẫn đầu tư cho tổ chức thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức về đối tượng quan trọng hàng đầu bởi có nhận thức đúng mới đánh giá đúng thực trạng, mới tìm ra được những câu trả lời đích đáng và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết vấn đề từ gốc chứ không phải chỉ là những điều chỉnh, sửa chữa không cơ bản. Chủ trương chung là đầu tư cho văn hóa phải ngang bằng với đầu tư cho kinh tế, xã hội nhưng chưa bao giờ có mức ngang bằng này cả. Ngang bằng về mức đầu tư chưa có đã đành mà đầu tư cho những chiến lược tổng thể, cho mục tiêu lâu dài và cả cho văn hóa thấm sâu vào từng chính sách kinh tế, xã hội, vào trong những mục tiêu cụ thể cũng chưa làm được. Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ thế này thôi: Cả tổ chức Đảng lẫn chính quyền chưa đánh giá đúng vai trò của văn hóa trong phát triển nên thường đầu tư cho văn hóa thấp hơn nhiều so với kinh tế, nhiều chủ trương phát triển kinh tế không có chiều sâu văn hóa, không đặt ra mục tiêu văn hóa.
Đại nội Huế - một trong những di sản tiêu biểu của văn hóa Việt Nam.

Hơn nữa nhiều cấp ủy và chính quyền coi văn hóa chỉ như một số hoạt động đơn giản gắn với giải trí, đến những hoạt động bề nổi mà chưa chú ý đến xây dựng những hệ giá trị gắn với những tiêu chí quan trọng bậc nhất về phát triển con người, còn lẫn lộn giá trị. Ví dụ trong lý thuyết đánh giá cao giá trị văn hóa nhưng thực tiễn lại coi trọng giá trị kinh tế, giá trị quyền lực, giá trị danh vọng… lớn hơn giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, giá trị nhân văn. Thêm nữa cử nhiều “Tư lệnh văn hóa” ở các cấp không phải là những người có hiểu biết chuyên môn sâu về văn hóa khi cho rằng văn hóa ai cũng có thể làm được. Có thể nói những chiến lược lớn ấy vẫn cứ dang dở bởi trong thực tiễn thiếu những tư lệnh ngành đáp ứng được nhiệm vụ, các cấp có trách nhiệm không coi trọng việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng con người và phát triển văn hóa.

Sự phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội được lý giải là do lĩnh vực này chưa được quan tâm đầy đủ…
Theo ông, nếu không được đặt đúng vị thế, hệ lụy nào sẽ xảy ra cho sự phát triển của văn hóa nói riêng, và tương lai của đất nước nói chung?

-Hệ lụy không cần nhìn xa hơn mà cứ nhìn vào thực tế đã thấy. GS Phan Ngọc đã có nhận xét vui mà đúng là văn hóa Việt Nam cứ như cái xe đạp thời bao cấp. Phụ tùng là của mọi quốc gia, chắp vá thế nhưng nó vẫn chạy được. Về hệ thống là như thế con nhìn vào thực tiễn không ai cũng thấy lo lắng thực trạng hiện nay: Cái giả dối, loạn chuẩn mực giá trị và sự thiếu nhất trí, đồng lòng đang làm hỏng nền tảng tinh thần và đạo đức xã hội. Điều này cần phải coi như nguy cơ trước mắt và nguy cơ lâu dài. Chỉ thấy an ủi là có sự đan xen giữa cái tốt và xấu, được và hỏng. Mong rằng môi trường xã hội thay đổi để cái tử tế, cái tốt đẹp chiến thắng.
Không gian văn hóa đi bộ quanh Hồ Gươm là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn của cả nước.

Cần khơi dậy khát vọng trong Nhân dân

Việc “xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới” cần những điều kiện gì, thưa ông?

-Câu này cực khó vì Đảng và Nhà nước ta cũng đang đi tìm câu trả lời. Một câu hỏi đặt ra với tôi tại sao mọi văn kiện, phát biểu, mục tiêu nêu ra đều hướng tới cái tốt đẹp nhưng trong thực tiễn, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhân cách con người, sự băng hoại của truyền thống văn hóa tốt đẹp cứ diễn ra ngày càng đậm hơn? Chúng ta sai ở chỗ nào? Chúng ta kém ở chỗ nào? Cần nhìn thẳng vào thực trạng bộ máy thể chế, chuẩn mực xã hội, hệ giá trị đang giữ vai trò điều tiết xã hội mà đánh giá.

Theo ông, văn hóa sẽ có vai trò thế nào để thực hiện được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hiện thực hóa mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng Xã hội chủ nghĩa?

- Đảng ta đã xác định rất đúng vai trò và mục tiêu của văn hóa trong tương lai. Vấn đề lớn nhất và khó nhất là ở chỗ tổ chức thế nào để thực hiện được mục tiêu ấy? Đảng khơi dậy được khát vọng ấy trong Nhân dân thì mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được. Đảng xác định xây dựng văn hóa là nhiệm vụ lâu dài, của toàn dân trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ và trí thức giữ vai trò nòng cốt. Đã nhìn thấy điều này rồi thì làm sao biến nó thành thực tiễn vì Đảng đang lãnh đạo tuyệt đối. Làm được điều đó thì đất nước sẽ phồn vinh và hùng cường.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!