Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Phạm Thế Anh: Thêm giải pháp kích cầu tốt hơn chỉ kích cung vốn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), cho rằng, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động.

Nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động, sẽ gây ra nhiều hậu quả, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%.

PGS.TS. Phạm Thế Anh
PGS.TS. Phạm Thế Anh

Thừa tiền - dấu hiệu của tăng trưởng yếu

Lãi suất huy động liên tục giảm mạnh, ông nhận xét gì về hiện tượng này?
- Xu hướng giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 4 năm nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành. Chỉ trong nửa đầu năm, NHNN 4 lần liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành, trong đó có ba lần giảm trần lãi suất huy động.

Một yếu tố quan trọng khác khiến lãi suất huy động giảm nhanh là tiền không chảy vào được nền kinh tế. Các ngân hàng trở nên thừa tiền trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ảm đạm, đơn hàng xuất khẩu, tiêu dùng chậm lại.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, giảm đơn hàng, sức tiêu thụ của thị trường còn yếu, đầu ra gặp khó dẫn tới tình trạng giảm nhu cầu vay vốn. Tín dụng khó cho vay cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, kéo lãi suất huy động xuống.

Tiền vẫn đổ vào ngân hàng nhưng tăng trưởng tín dụng thấp không ra nền kinh tế, hệ lụy thế nào?

- Thời điểm hiện tại, dòng tiền đang đổ vào gửi ngân hàng, vì có vẻ đây là kênh an toàn nhất với người có tiền. Không chỉ tiền gửi của cá nhân mà tiền gửi DN tiếp tục đổ vào ngân hàng cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, phía ngân hàng vẫn phải ôm tiền mà không cho vay được ra nền kinh tế phục vụ sản xuất. Tăng trưởng tín dụng thấp là lăng kính phản ánh quá trình hấp thụ vốn, phục hồi của nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm...

Không dễ cào bằng lãi suất

Các ngân hàng đang rơi vào thế khó, bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, không ngân hàng nào thích ôm vốn nhiều, phải trả lãi suất mà không thể cho khách hàng vay. Vậy tại sao lãi suất cho vay vẫn ở mức cao?

- Hiện còn một số khoản cho vay cũ khi các ngân hàng thương mại huy động vốn cao có thể vẫn đang neo cao do độ trễ của chính sách, cũng như để bảođảm hài hòa phương án tài chính của các ngân hàng thương mại. Huy động vốn dài hạn bao giờ cũng cao hơn huy động ngắn hạn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với những năm trước, trong khi hầu hết các ngân hàng chưa tiêu thụ hết nguồn vốn huy động giá cao từ cuối năm 2022 và quý đầu năm 2023 (huy động lên tới 8 - 9%) nên chưa thể cho vay lãi suất thấp hơn được. Dự kiến đến hết quý I/2024, mặt bằng lãi suất cho vay mới có thể về mức thấp.

Bên cạnh đó, tùy từng khách hàng, lãi suất cho vay phụ thuộc năng lực, khả năng của mỗi ngân hàng. Tài sản bảo đảm của khách hàng có cao hay không, nếu tài sản đảm bảo rủi ro thì ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay cao hơn; hoặc một số ngân hàng có cơ cấu nguồn vốn giá rẻ cao, hay tiết giảm chi phí thì lãi suất cho vay có thể thấp hơn; còn một số ngân hàng nợ xấu cao, trích lập dự phòng sẽ đẩy giá vốn lên, dẫn đến lãi suất cao hơn…

Lãi suất huy động liên tục giảm như hiện nay gây ảnh hưởng gì tới nền kinh tế không, so sánh với lạm phát hiện nay?

- Lãi suất huy động hiện nay quanh quẩn 3,5 - 4% tùy từng kỳ hạn. Do vậy, so với tương quan lạm phát, lãi suất huy động đã giảm thấp rồi. Lãi suất mà hạ nữa thì khó hút người gửi tiền và sẽ chảy vào những kênh rủi ro. Lạm phát năm nay được dự đoán trong khoảng 3,3 - 3,5%; nếu nằm trong khoảng này thì mức lãi suất huy động cũng phải ở mức tương xứng để bảo đảm mức lãi suất thực dương.

Ông dự đoán lãi suất có giảm thêm không?

- Hiện, lãi suất huy động duy trì vùng thấp và dư địa giảm cũng không còn nhiều xét trong mối tương quan với các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá. Việc cần bây giờ là giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải cân đối để đưa ra mức lãi suất vay hợp lý.

Chi phí ngân hàng sẽ phải giảm tiếp khi các khoản vay trong quá khứ đến thời gian đáo hạn là cơ hội tốt để ngành ngân hàng giảm thêm nữa lãi suất cho vay. Thứ nữa, nếu nhu cầu tín dụng nền kinh tế vẫn thấp như hiện nay buộc các ngân hàng phải kích cầu nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất cho vay.

Theo ông, với thực trạng nền kinh tế và sức khỏe DN như hiện nay lãi suất cho vay khoảng bao nhiêu là hợp lý?

- Tôi nghĩ lãi suất cho vay dài hạn chỉ khoảng 7%/năm là phù hợp, có như vậy mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, đã sang quý IV nhưng các đơn hàng DN sản xuất mới chỉ tính theo tháng; thị trường chứng khoán, bất động sản còn khó khăn.

Chữa bệnh thừa tiền, cách nào?

Làm thế nào để khơi thông nguồn vốn ra nền kinh tế thưa ông?

- Dù giảm lãi suất, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp kỷ lục. DN không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, thì việc giảm lãi suất không mang nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, phải rà soát mức độ, khả năng tiếp cận vốn của DN. Nhưng quy định nào chưa phù hợp thì kiến nghị sửa đổi. Thứ hai, DN nâng cao năng lực của DN, hỗ trợ tiêu thụ thị trường, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm.

Tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ.

Định hướng của NHNN đưa ra đầu năm tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15% có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Với tình hình hiện nay, theo ông tăng trưởng tín dụng cuối năm sẽ khoảng bao nhiêu%?

- Tốc độ thẩm thấu của chính sách tiền tệ vào nền kinh tế vẫn khá chậm. Bơm vốn bằng mọi cách để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa hẳn là phương án tối ưu. Nó có thể gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là về rủi ro gia tăng nợ xấu do áp lực phải giải ngân vốn bằng mọi cách, áp lực phải hạ chuẩn tín dụng để đưa vốn ra thị trường trong bối cảnh năng lực DN còn yếu. Vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chủ yếu ở tổng cầu.

 

 

Mở rộng chính sách tài khóa mạnh hơn để kích cầu. Việc giảm thuế, phí sẽ tác động ngay đến nền kinh tế, khiến giá cả hàng hóa rẻ hơn để người dân gia tăng nhu cầu. Đồng thời, chính sách này cũng giúp các DN giảm bớt gánh nặng về chi phí, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao bên cạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ về cơ chế chính sách…
PGS.TS. Phạm Thế Anh

 

Thực tế sự hồi phục thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam cho tới thời điểm này chưa có dấu hiệu rõ nét. Trong bối cảnh đó, gia tăng tín dụng để DN, các cơ sở kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh trong khi tổng cầu không bảo đảm hấp thụ năng lực sản xuất được mở rộng và nguồn cung gia tăng chắc chắn chứa đựng nhiều rủi ro đối với chính DN và đối với chất lượng tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng không thể đạt mục tiêu 14 - 15% nhưng đâu đó sẽ xoay quanh 10%. Cần có thêm giải pháp kích cầu, thay vì tập trung kích cung vốn. Đó là thúc đẩy tổng cầu đầu tư công, tiêu dùng trong nước. Một mặt đẩy nhanh tín dụng tiêu dùng mặt khác tạo đầu ra cho hàng hóa, tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Xin cảm ơn ông!