PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Kiểm soát giá hàng hóa để ổn định kinh tế vĩ mô

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột Nga - Ukraine làm cho giá xăng dầu, lương thực, năng lượng… tăng cao ảnh hưởng đến điều hành lạm phát của nhiều quốc gia trên thế giới, áp lực lạm phát rất cao do các nước áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn. Song song với đó, cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả là các chính sách hỗ trợ DN phục hồi.

Tăng cường kiểm soát giá hàng hóa

Sau 2 kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu đã giảm mạnh, song giá nguyên liệu, hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Đúng là giá xăng dầu được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm bớt áp lực chi phí giữa lúc giá cả “leo thang”, chi phí sản xuất và nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Tuy vậy, đợt giảm giá lần này vẫn có độ trễ nhất định, chưa thể tác động ngay đến thị trường. Và việc vì sao giá xăng dầu giảm nhưng giá cả nguyên liệu đầu vào, giá hàng hóa không giảm cũng là câu hỏi không ít lần tôi và một số đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ Công Thương tại các kỳ họp Quốc hội.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Kiểm soát giá hàng hóa để ổn định kinh tế vĩ mô
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Kiểm soát giá hàng hóa để ổn định kinh tế vĩ mô

Trong nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay lập tức. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm tương ứng vì các DN cần thời gian để điều chỉnh, cân đối lại chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính. Vì vậy, các tư thương vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hóa, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này. Do đó, với việc mặt bằng giá cả chưa có sự thay đổi mạnh thì áp lực chi phí lương nhân công cũng như chi phí hoạt động của DN vẫn sẽ lớn.

Vậy theo ông cần thực hiện giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

- Thông thường khi giá xăng, dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác và tạo nên mặt bằng giá mới. Do đó, cơ quan quản lý phải can thiệp ngay từ đầu. Mặc dù giá xăng, dầu đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không.

Họ sẽ đặt ra câu hỏi “Giả sử như giá xăng, dầu giảm rồi lại tăng thì sao?”, cho nên giá cả các loại nguyên liệu, hàng hóa vẫn được các nhà cung ứng nghe ngóng, cân nhắc.

Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước cần áp dụng Luật Giá năm 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, trong đó có quy định rõ ràng về quản lý Nhà nước đối với giá cả.

Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá (hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống), bao gồm: Xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục…

Bên cạnh đó, yêu cầu phía nhà cung cấp nguyên liệu, hàng hóa phải thực hiện thẩm định giá theo đúng quy định. Tôi xin nhấn mạnh là phải tăng cường kiểm soát giá vì khi kiểm soát giá tốt thì thị trường sẽ tự điều chỉnh dần về mức hợp lý. Song song với đó, cần tăng cường các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Đây là việc làm khó, vì vậy trước tiên, cơ quan nhà nước cần yêu cầu nhà cung cấp phải công bố, niêm yết giá công khai, minh bạch.

Mặc dù nỗi lo xăng dầu được vơi bớt, nhưng theo phản ánh của nhiều DN, mức giảm giá xăng, dầu vẫn chưa thấm vào đâu so với các khoản chi phí giá nguyên liệu đầu vào, cước vận tải, logistics tăng cao. Vậy nên chăng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách nào để tiếp tục hỗ trợ DN vượt khó khăn?

- Hiện Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ tài chính - tiền tệ 350.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí logistics. Đó là những giải pháp tạo ra các điều kiện kinh doanh thích hợp nhất để thúc đẩy DN sớm phục hồi. Ngoài ra, các cơ quan bộ ngành, các địa phương cũng phải nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn DN sẽ vượt qua khó khăn và phục hồi mạnh mẽ.

Riêng đối với giá xăng, dầu trong nước, Quốc hội, Chính phủ cũng đã kịp thời có quyết sách giảm các loại thuế, phí như: Thuế bảo vệ môi trường về mức sàn; giảm thuế nhập khẩu xuống 10% và đang chỉ đạo Bộ Tài Chính xem xét, cân nhắc đề xuất mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị giá tăng (VAT).

Tuy nhiên, tôi cho rằng bản thân DN cần nỗ lực thực hiện các giải pháp để vượt khó khăn, không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn như, DN phải tiết giảm các khoản chi phí, xem xét cấu trúc lại DN, xem xét lại hiệu quả hoạt động kinh doanh, đặc biệt làm giảm các chi phí không cần thiết.

Chủ động ứng phó với hiện tượng “đình lạm”

Hiện nay, tình hình xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng và chưa biết khi nào đi đến hồi kết. Vậy nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng như thế nào trước những biến động của tình hình thế giới, thưa ông?

- Xung đột Nga - Ukaine là tác nhân chính khiến giá xăng dầu thế giới bất định, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng đang bất định, bất ổn, bất thường. Đây là những cái “bất” khả kháng chung đối với tất cả quốc gia trên thế giới và gây khó cho công tác dự báo. Hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng thường xuyên phải thay đổi dự báo của mình. Do đó, DN Việt Nam cần theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến bất thường trên thế giới để có sự chủ động, ứng phó kịp thời.

Xung đột Nga - Ukaine không biết khi nào mới kết thúc khiến giá xăng dầu thế giới vẫn đi lên đi xuống không ở mức ổn định. Những này gần đây giá dầu thế giới có giảm nhưng chưa thể biết là giá dầu thế giới còn tiếp tục giảm nữa hay không. Trong khi đó, các nước đã bắt đầu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, việc này sẽ dẫn đến hiện tượng “đình lạm”, nghĩa là nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao.

Hiện tượng này có khả năng cao xảy ra và các Tổ chức quốc tế cũng đưa vào dự báo. Do đó, các DN cũng phải có kế hoạch, giải pháp để ứng phó với tình hình này.

Để ứng phó với hiện tượng nói trên, Việt Nam đã và đang triển khai mạnh các gói tài khóa cũng như thực hiện các giải pháp giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh nhất. Chính phủ tăng cường kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát vĩ mô. Hệ thống ngân hàng đang cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cũng như mặt bằng tỷ giá; đồng thời triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN. Các bộ, ngành đã giảm, gia hạn nộp các loại thuế, phí để hỗ trợ DN.

Theo ông, việc can thiệp các biện pháp giảm thuế, phí để kìm đà tăng của giá xăng, dầu có giúp kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% như mục tiêu Chính phủ đặt ra hồi đầu năm?

- Tôi nghĩ hiện giờ không chỉ có giá xăng, dầu mà còn là giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn, đây là loại giá chiếm tổng số rất lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, việc kiểm soát giá cả có tác động rất lớn đến kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta phải bằng mọi giá đạt được chỉ tiêu này. Vì Chính phủ đặt ra mục tiêu trong bối cảnh thế giới chưa xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra đã tác động đến nền kinh tế toàn thế giới, đẩy nhiều nước rơi vào cảnh lạm phát trầm trọng. Chẳng hạn như, Mỹ lạm phát cao nhất 40 năm, châu Âu lạm phát cao nhất 30 năm, Anh lạm phát cao nhất trong 40 năm…

Như vậy, tình hình thế giới lạm phát rất cao cho nên việc Việt Nam đạt hay không đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% không quan trọng. Vấn đề là phải tăng cường ổn định được kinh tế vĩ mô dài hạn, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách giúp cho DN phục hồi nhanh hơn sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Trước tình trạng tăng, giảm bất tương xứng giữa giá xăng dầu và mặt bằng giá thị trường, nếu Chính phủ và Quốc hội tiếp tục cân nhắc chính sách giảm thuế với xăng, dầu để bình ổn giá thị trường thì cần cân nhắc việc ra quyết sách nhanh chóng để hỗ trợ kịp thời cho DN. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu thì Bộ Tài chính cần đánh giá kỹ lưỡng mức độ tác động." - PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần