Ngày 24/11 tới đây, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra trong sự quan tâm đặc biệt của những người làm văn hóa. Theo ông, hội nghị này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Tôi cho rằng, Hội nghị Văn hoá toàn quốc rất có ý nghĩa, thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước dành cho những quyết sách về văn hoá. Hội nghị lần này vừa có ý nghĩa chiến lược, để đầu tư chiều sâu cho văn hoá, vừa mang tính thời sự. Bởi, nói như Bác Hồ: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Thông qua Hội nghị sẽ chỉ rõ những chương trình từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045 về văn hoá.
|
PGS.TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam |
Bên cạnh đó, theo Kết luận số 30-KL/TƯ ngày 20/7/2004 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá IX, chúng ta đã có những quyết sách, đầu tư về văn hoá, định hướng đến năm 2010 đạt 1,8% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn chưa đạt chỉ tiêu này. Do vậy, đời sống văn hoá còn rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, Hội nghị Văn hoá toàn quốc là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những khó khăn đã vượt qua, những khuyết điểm cần khắc phục, những kỳ vọng để đạt tới, xác định giá trị của văn hóa, những thử thách phải đối diện và những phương sách để hành động.
Thưa ông, phát triển văn hoá là yếu tố quan trọng, mang tính cấp thiết khi xây dựng một xã hội phát triển, hòa nhập và sánh vai cùng nhiều nền văn hóa, văn minh quốc gia khác. Vậy theo ông, làm thế nào để cho văn hoá của Việt Nam phát triển?Theo tôi, chúng ta phải thực hiện định hướng như Bác Hồ đã nói: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” hoặc trong Nghị quyết các kỳ Đại hội đề cập văn hoá là mục tiêu, động lực để phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần thể chế hoá những định hướng, mục tiêu đó hoá thành chính sách.
Bên cạnh chính sách, chúng ta còn thiếu nhiều Luật khác về văn hoá như: Luật về quyền văn hoá của người dân, Luật về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, Luật công nghiệp văn hoá. Theo tôi, tất cả những điều đó cần được thể chế hoá.
Mặt khác, tôi cho rằng cần nâng cao công tác đào tạo cán bộ. Ví dụ như lĩnh vực thể thao, vận động viên Ánh Viên mới hơn 20 tuổi đã xin nghỉ là thiệt thòi cho đất nước, cần phải xem xét nghiêm túc. Bởi, chúng ta đào tạo được những người như vậy không dễ dàng. Hoặc như hiện nay, công tác đào tạo ở các trường múa, nghệ thuật rất khó tuyển học sinh, sinh viên. Tôi cho rằng, nếu khó khăn như vậy thì phải đầu tư lớn hơn. Bởi, đầu tư cho những ngành khác đã tốn kém nhưng đầu tư cho văn hoá, nghệ thuật còn tốn kém hơn.
Bên cạnh đó, để văn hoá phát triển, chúng ta phải xây dựng được một nền công nghiệp văn hoá. Nghĩa là, văn hoá phải là nguồn lực về kinh tế. Hiện nay, văn hoá, nghệ thuật ở lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, biểu diễn đã phát triển nhưng công nghiệp văn hoá còn nhiều lĩnh vực khác cần phải có định hướng.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giới trẻ tiếp cận nhiều với nhiều loại hình văn hoá khác nhau, vậy phải làm thế nào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân gian?Muốn văn hoá dân gian không phai nhạt, chúng ta phải tôn trọng môi trường tồn tại của nó. Ví dụ như văn hoá người Dao muốn phát triển được cần tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Dao. Bởi tất cả đặc trưng của văn hoá dân gian người Dao từ nghệ thuật, biểu diễn đều gắn với tôn, giáo.
Bên cạnh đó, chúng ta phải khẳng định vai trò của tôn giáo, hay chúng ta vẫn nói là tín ngưỡng dân gian; đồng thời tất cả tôn giáo cần phải bình đẳng. Đề có thể làm như vậy, chúng ta cần có chính sách riêng về tôn giáo, khẳng định tôn giáo cũng là nguồn lực của văn hoá.
Đặc biệt với lớp trẻ, nếu chúng ta không bảo tồn văn hoá dân gian trong cộng đồng của nó, chỉ cắt gọt để biểu diễn là sai. Ví dụ như ở phố cổ, chúng ta thường hay tổ chức trình diễn nghi thức thờ mẫu, hầu đồng không có đình, đền là sai về văn hoá dân gian.
Trong bối cảnh, tốc độ phát triển văn hoá như hiện nay, đã có lúc có ý kiến cho rằng văn hóa dân gian bị mai một, ông có đồng tình với nhận định này?Nói rằng văn hoá dân gian đang bị mai một là chỉ đúng một phần, bởi nhiều yếu tố về văn hoá dân gian vẫn đang phát triển.
Ví dụ như văn hoá trên mạng internet cũng là hình thức của văn hoá dân gian. Văn hoá dân gian là không chính thống, có nhiều người tham gia. Cho nên một bài viết đăng trên mạng xã hội rất nhiều người bình luận, sau đó được người viết sửa chữa lại – đó là biểu hiện của văn hoá dân gian. Qua đó cho thấy, văn hoá dân gian luôn biến đổi, thích nghi với tình hình mới.
Đó là chưa kể, văn hoá dân gian ở các đô thị thay đổi rất nhiều. Ví dụ ở phố cổ, phố nghề không chỉ làm nghề thủ công để bán sản phẩm nữa mà còn khai thác góc độ du lịch. Hay ở các làng nghề, các chương trình biểu diễn văn hoá dân gian cũng thay đổi để trở thành sản phẩm du lịch. Đó là sự biến đổi của văn hoá dân gian, có sự tham gia của cộng đồng. Qua đó cho thấy, thể chế văn hoá dân gian, bất cứ nơi nào cũng đóng vai trò quan trọng.
Vậy thưa ông, chúng ta cần bảo vệ, phát triển văn hoá dân gian như thế nào?Muốn bảo vệ, phát triển văn hoá dân gian cần tôn trọng môi trường sản sinh ra văn hoá dân gian. Từ việc tôn trọng văn hoá dân gian, cần tiếp tục kế thừa truyền thống để áp dụng có chọn lọc vào văn hoá dân gian của thời đại.
Tôi nghĩ, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về văn hoá, vì nếu đến giờ vẫn nhìn nhận văn hoá như thế kỷ XX chưa đúng. Chúng ta cần nhìn nhận, văn hoá là động lực phát triển. Do vậy, người quản lý văn hoá phải thể chế hoá được chính sách, đầu tư vào cán bộ. Văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mở cửa hội nhập cần tôn trọng sự đa dạng văn hoá.
Xin cảm ơn ông!