Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phá dỡ công trình thực hiện Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/11, quận Đống Đa đã tổ chức phá dỡ một số công trình còn lại để thu hồi đất đối với các hộ dân trên địa bàn phường Láng Thượng, phục vụ thực hiện Dự án xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Theo thông tin từ UBND quận Đống Đa, liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến Dự án xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, UBND quận đã quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án, tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với toàn bộ 69/69 hộ dân và 16/16 tổ chức có đất thu hồi trong chỉ giới thực hiện dự án.

Lực lượng chức năng phá dỡ công trình sau khi được bàn giao.
Lực lượng chức năng phá dỡ công trình sau khi được bàn giao.

Trước thời điểm phá dỡ còn 7 chủ sử dụng đất chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng và 2 chủ sử dụng đất đã ký biên bản bàn giao mặt bằng nhưng chưa di chuyển tài sản, bàn giao mặt bằng. Căn cứ các quy định của pháp luật, cả hệ thống chính trị của quận Đống Đa đã tiến hành vận động các chủ sử dụng đất nhận tiền và bàn giao mặt bằng vào các ngày 1, 6, 9/6 năm 2022. Các chủ sử dụng đất không bàn giao mặt bằng.

Theo đó, ngày 21/10/2022, UBND quận Đống Đa ký, ban hành Kế hoạch số 384 về việc tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với các hộ gia đình trên địa bàn phường Láng Thượng. Tuy nhiên, cùng với việc tiếp tục kiên trì vận động, thuyết phục của các ban, ngành, đoàn thể trong toàn quận, sáng 1/11, các hộ dân trên cơ bản đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời tài sản ra khỏi công trình để bàn giao mặt bằng.
Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời tài sản ra khỏi công trình để bàn giao mặt bằng.

Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài do UBND quận Đống Đa là chủ đầu tư và có tổng vốn đầu tư 342,624 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 1,3km với bề rộng mặt cắt ngang từ 28,3 - 30m. Điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao thông đường Huỳnh Thúc Kháng với đường Nguyễn Chí Thanh và điểm cuối tuyến tại vị trí nút giao Voi Phục.

Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020. Trong đó, khối lượng công việc cần giải phóng mặt bằng là 67 hộ dân (khoảng 3.960m2 đất) và 16 tổ chức (khoảng 30.000m2 đất). Tuy nhiên, do một số hộ chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ và buộc UBND TP Hà Nội phải điều chỉnh tiến độ dự án đến năm 2022. Nội dung khiếu nại chủ yếu về giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, trong đó các hộ cho rằng giá đất bồi thường UBND TP phê duyệt cho Dự án quá thấp, chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.