Các đối tượng cùng bị đề nghị truy tố về hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức", gồm: Nguyễn Văn Phượng, Đậu Đức Hải, Nguyễn Tôn Doãn, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Văn Bình và Lê Quang Báu. Thủ đoạn được xác định: Năm 2012, Nguyễn Văn Phượng nắm bắt được nhu cầu của nhiều người mong muốn con em mình vào học tại các trường của lực lượng vũ trang và nhận thấy có thể sử dụng người khác có khuôn mặt gần giống với thí sinh để thi hộ nên đã lôi kéo và cầm đầu một đường dây thi hộ vào các trường đại học. Sau đó, Phượng giao cho Nguyễn Tôn Doãn, Đậu Đức Hải, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Văn Bình và Lê Quang Báu tìm kiếm các gia đình có nhu cầu nhờ thi hộ. Mặt khác, Phượng cùng với 3 đối tượng là Khải, Trung, Văn (đều chưa xác định được lai lịch) tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên có kiến thức tốt ở các trường Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng để thuê làm người thi hộ.
Nguyễn Văn Phượng, kẻ cầm đầu đường dây thi hộ .
|
Các đối tượng trong đường dây của Phượng yêu cầu gia đình các thí sinh gửi ảnh thí sinh, sau đó lựa chọn các đối tượng thi hộ có khuôn mặt giống với thí sinh rồi dùng kỹ thuật chỉnh sửa ảnh để tạo ảnh mới có đặc điểm giống thí sinh thật và người thì hộ rồi dán vào hồ sơ đăng ký dự thi. Sau khi có giấy báo thi, Phượng lấy giấy báo thi, Chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp THPT của thí sinh đưa cho đối tượng thi hộ sử dụng.
Để tránh bị phát hiện, trong thời gian diễn ra kỳ thi, các thí sinh thật còn được yêu cầu không có mặt tại nơi cư trú. Sau kỳ thi, các thí sinh thật còn được thông báo thời gian thi, mã đề, địa điểm phòng thi, vị trí ngồi... thậm chí còn tập cho thí sinh viết cho giống với người thi hộ để đối phó khi nhập học nếu trúng tuyển. Với mỗi trường hợp có nhu cầu thi hộ, Phượng thu từ 200 - 250 triệu đồng và nhận đặt cọc từ 10 - 50 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, Phượng bỏ túi 100 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, do qua nhiều khâu trung gian, các đối tượng cò mồi đã nâng giá nên có trường hợp phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng để nhờ thi hộ. Đối với người thi hộ, Phượng trả công từ 60 - 100 triệu đồng.
Với thủ đoạn trên, trong các kỳ thi tuyển sinh đại học 2012 và 2013, đường dây này đã tổ chức thi hộ trót lọt cho 19 trường hợp vào các trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an Nhân dân và Học viện An ninh Nhân dân. Ngoài ra, các đối tượng còn làm thủ tục dự thi vào các trường Học viện Hậu cần và Học viện Phòng không - Không quân, tuy nhiên đã bị phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Cơ quan An ninh Điều tra xác định, đây là vụ án nghiêm trọng có tổ chức với thủ đoạn phạm tội tinh vi và sự tham gia cấu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong vụ án này, các đối tượng thi hộ do khai báo thành khẩn, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong quá trình xác minh nên không xem xét xử lý về mặt hình sự nhưng các trường hợp được thi hộ và đã trúng tuyển đã bị các trường cho thôi học.
Qua vụ việc này, cho thấy thủ đoạn phạm tội của các đường dây thi hộ dù có tinh vi đến mấy vẫn bị cơ quan an ninh phát hiện. Do vậy, các gia đình cần cảnh giác không hợp tác, đồng lõa với hành vi phạm tội để tránh tiền mất mà việc chẳng xong.