Phá rào cản chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết và là xu hướng, nhưng thực tế còn nhiều rào cản như chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao, khó khăn trong thay đổi thói quen... khiến doanh nghiệp chưa số hóa được.

Thiếu thốn đủ bề khi số hóa

Chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời mà đang là xu thế tất yếu. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng toàn cầu trong các tổ chức, doanh nghiệp (DN), giúp DN tận dụng được những cơ hội chưa từng có.

Tuy nhiên, phần lớn DN hiện nay, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn ngại chuyển đổi số, với lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu về công nghệ của người đứng đầu. Phần còn lại lấy lý do chuyển đổi số chưa thực chất, còn nhầm lẫn giữa số hóa với chuyển đổi số.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), dù có khoảng 72% DN đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, nhưng hầu hết họ không biết bắt đầu từ đâu, và 92% DN không biết chuyển đổi số như thế nào.

Trong khi đó, khảo sát của Vinasa năm 2021 cũng cho thấy, có tới 92% số DN được hỏi không biết cách thức chuyển đổi số như thế nào, 72% không biết bắt đầu chuyển đổi số từ hoạt động nào của tổ chức, và 69% không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Đoan - Giám đốc Công ty TNHH Đoan Trường, chuyên sản xuất đồ cơ khí chia sẻ, hiện những nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ. Với hơn 90% DN nội là DN vừa và nhỏ, ưu điểm là thích ứng nhanh nhưng hạn chế là thiếu nguồn lực vốn và nguồn nhân lực chuyển đổi số. Trong khi đó, các nguồn tín dụng chưa có chính sách hỗ trợ vốn rẻ cho DN.

“Chúng tôi nhận thức rất rõ về vai trò của chuyển đổi số. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính đang là rào cản rất lớn để DN chuyển đổi số. Dù công ty đã có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ đơn vị cung cấp bên ngoài với chi phí rất đắt đỏ” - ông Nguyễn Văn Đoan chia sẻ.

 

Trong quá trình chuyển đổi số, DN vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Môi trường kinh tế số của Việt Nam vẫn còn hạn chế như tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số của Việt Nam chỉ đạt 22%; trong khi đó, ở Indonesia là 34% và Thái Lan là 62%. Tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên Internet của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ đạt 10%) so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) Bùi Thu Thủy

Chia sẻ những khó khăn thực tế trong chuyển đổi số của DN, Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam Nguyễn Đức Thuận cho biết, hiện nay cản trở lớn nhất của DN trong ứng dụng công nghệ số ở phần chi phí. Thực tế, chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao so với DN, đặc biệt tỷ lệ DN nhỏ và vừa của nước ta còn rất lớn (98% trong số các DN Việt Nam).

Bên cạnh đó, các DN còn thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, cũng như e ngại về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân và thiếu cả nhân lực, thiếu cả thông tin, khó khăn trong việc thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống của mình. Ngoài ra, nhiều DN còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu tư duy kỹ thuật số, chi phí chuyển đổi số…

Đồng hành cùng DN bắt nhịp chuyển đổi số

Đưa ra giải pháp giúp DN chuyển đổi số thành công, Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng, cần xây dựng nền tảng, môi trường hỗ trợ DN chuyển đổi số, hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để DN xây dựng chuyển đổi số. Cùng với đó, hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số.

Đối với DN, khi tiến hành chuyển đổi số cần có hệ thống chuyên gia để tư vấn. DN không thể chỉ mua sắm ứng dụng các thiết bị, công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.

Đứng ở góc độ DN, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank Phan Đình Tuệ kiến nghị, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết xây dựng gói tư vấn với giá nhất định dành cho DN vừa và nhỏ, để các DN chủ động tiếp cận với hoạt động chuyển đổi số. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các hiệp hội trong kết nối và tạo ra mạng lưới chuyển đổi số giữa DN sản xuất với DN công nghệ thông tin.

Về phía DN, phải chuẩn bị kỹ nội dung yêu cầu thực hiện chuyển đổi số, phải lượng hóa được đội ngũ chuyên gia, quy trình quản lý dự án của đối tác. Cuối cùng là chuẩn bị ngân sách cho hiện tại và tương lai để đảm bảo duy trì vận hành sau khi thực hiện chuyển đổi số quy trình, công nghệ sản xuất.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, nền tảng số là giải pháp đột phá để phổ biến công nghệ số trở thành một dịch vụ, và biến công nghệ số trở thành yếu tố đầu vào trong sản xuất. Để hỗ trợ DN chuyển đổi số, trong năm 2022, Bộ TT&TT phấn đấu cùng 63/63 địa phương vào cuộc triển khai chương trình thúc đẩy DN vừa và nhỏ chuyển đổi số. Cùng với đó là hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số, và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã để có đầu mối hỗ trợ người dân triển khai.

Cũng trong năm 2022, các DN sẽ nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ ngân sách. Cụ thể, theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ DNNVV, DN sẽ được hỗ trợ 50% nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số do Bộ TT&TT chứng nhận, công bố.