70 năm giải phóng Thủ đô

Phải bồi thường nếu cấp phép xây dựng sai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là đề xuất của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh khi góp ý cho định hướng xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường (TNBT) của Nhà nước (sửa đổi).

Theo đó, Dự luật phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Sẽ quy định hình thức xin lỗi công khai

Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết, Luật TNBT của Nhà nước (sửa đổi) dự kiến tập trung vào các vấn đề: Phạm vi TNBT của Nhà nước; Thiệt hại được bồi thường; Cơ quan bồi thường Nhà nước; Trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường; Kinh phí bồi thường, thủ tục chi trả; Trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật. Ngoài ra, Dự luật cũng bổ sung hình thức xin lỗi công khai đối với trường hợp công dân bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trái pháp luật. Để bảo đảm quyền được khôi phục danh dự của người dân, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thành phần tham gia việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai trong quá trình khôi phục danh dự. Việc quy định cụ thể, rõ ràng trình tự, thủ tục này sẽ góp phần tránh tình trạng làm qua quýt, lấy lệ với hoạt động xin lỗi, cải chính công khai như một số trường hợp trong thời gian qua.
Trường hợp cấp phép xây dựng sai gây thiệt hại sẽ phải bồi thường. 	Ảnh: Thái San.
Trường hợp cấp phép xây dựng sai gây thiệt hại sẽ phải bồi thường. Ảnh: Thái San.
Đáng chú ý, để việc giải quyết bồi thường thực chất, hiệu quả, các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định của Dự luật được sửa đổi, bổ sung toàn diện, đặc biệt cải cách triệt để thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường của cơ quan bồi thường Nhà nước. Nhằm hạn chế những vướng mắc, bất cập về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành, định hướng xây dựng Luật sửa đổi nêu rõ các nguyên tắc cụ thể, trong đó giải quyết nhanh chóng, kịp thời việc yêu cầu bồi thường. Hạn chế tối đa chi phí trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại cũng như cho cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.

Cấp phép xây dựng sai cũng phải bồi thường
Sau 6 năm thực hiện Luật TNBT của Nhà nước, các cơ quan chức năng đã giải quyết 204 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 111 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 204 vụ việc, chỉ có 22 vụ việc cán bộ, công chức làm sai đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả với số tiền 676 triệu đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh lưu ý, Dự luật phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức. Đồng thời đề nghị bổ sung bồi thường đối với trường hợp cấp phép xây dựng sai gây thiệt hại; trường hợp xác định năng lực tài chính sai; hành vi cơ quan Nhà nước đóng dấu chứng thực sai dẫn đến thiệt hại.

Một số ý kiến nêu lên vấn đề tiền hoàn trả từ cán bộ, công chức có hành vi sai trái rất thấp, chưa đến 1% so với số tiền Nhà nước phải bỏ ra để bồi thường. Từ đó, nhiều biện pháp được đặt ra, đó là phải nâng mức bồi hoàn tương xứng, xem xét mức độ lỗi, trách nhiệm của công chức trong các vụ việc để buộc họ phải hoàn trả kinh phí cho ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, các ý kiến cho rằng, dù có tăng mức hoàn trả cao lên cũng không thể bù được so với số tiền mà Nhà nước phải bỏ ra bồi thường.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam lưu ý, Luật cần dự liệu những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để có những quy định rõ ràng, cụ thể, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế để Luật bảo đảm tính khả thi, Nhà nước phải có trách nhiệm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức để tránh gây thiệt hại.

Về những định hướng lớn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh, cần làm rõ hơn các vấn đề: Phạm vi điều chỉnh của Luật; xác định chủ thể bồi thường; thiệt hại bồi thường. Đặc biệt, phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, khi có quyết định của cơ quan bồi thường phải có tiền chi trả ngay. Việc hoàn trả phải tăng cường trách nhiệm nhưng bảo đảm không làm chùn tay các cán bộ, công chức.