Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng được thành lập năm 2005. Hoạt động của doanh nghiệp trong hơn 10 năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Nam và của ngành xây dựng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Hồng Hà và các đại biểu tại lễ đốt lò dây chuyền số 2, Nhà máy xi măng Thành Thắng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Dây chuyền số 2 Nhà máy sản xuất xi măng Thành Thắng vừa được khánh thành sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Nhật Bản, đạt công suất 1,3 triệu tấn/năm. Với hai dây chuyền, tổng công suất của Nhà máy là 1,75 triệu tấn/năm. Nếu tính cả dây chuyền số 2 này, tổng công suất sản xuất xi măng của tỉnh Hà Nam năm 2017 đạt 13,5 triệu tấn, đứng đầu cả nước.
Với những đóng góp và kết quả đạt được, Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng những kết quả, đóng góp quan trọng của Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng trong thời gian qua.
Theo Phó Thủ tướng, xi măng là loại vật liệu quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định rõ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam “theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững, có công nghệ tiên tiến, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên”.
Trong đó, yêu cầu phải sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất. Đồng bộ hệ thống tận dụng nhiệt khí thải trong các nhà máy xi măng để phát điện.
Quy hoạch yêu cầu phải phát triển các nhà máy có quy mô công suất lớn, các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày, đồng thời khuyến khích hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn từ các dự án hiện có bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm xi măng Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng, tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
“Việc triển khai thực hiện Quy hoạch này đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề đối với cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất xi măng”, Phó Thủ tướng nói.
Nhằm đáp ứng yêu cầu xi măng cho phát triển đất nước, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cũng như các yêu cầu bảo vệ môi trường phát triển bền vững, trong buổi lễ hôm nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng tổ chức rà soát việc thực hiện các quy hoạch hiện có, cập nhật tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, trên cơ sở đó tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2035 và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2025.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên cả nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về bảo vệ môi trường cả trong quy trình khai thác nguyên liệu, sản xuất và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.
“Cần ưu tiên đầu tư nguồn lực phù hợp để đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo đảm an toàn sản xuất, bảo vệ môi trường. Phải coi bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn là yêu cầu đầu tiên trong sản xuất xi măng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải bám sát nhu cầu thị trường để điều chỉnh quy mô sản xuất phù hợp, không để xảy ra tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt xi măng cho các nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Coi đây là “chìa khoá” để phát triển doanh nghiệp, nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm xã hội với địa phương thông qua việc nộp ngân sách; hỗ trợ phát triển; thực hiện các chương trình an sinh xã hội; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ.