Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là vấn đề lựa chọn sách giáo khoa (SGK) bởi liên quan đến lợi ích của hàng triệu học sinh cùng gần 2 triệu giáo viên. Trọng trách này sẽ được đặt lên vai UBND các tỉnh, TP, bởi theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 quy định, UBND các tỉnh, TP sẽ quyết định chọn bộ SGK phù hợp cho địa phương mình. Nguy cơ “lợi ích nhóm” và sự minh bạch trong việc lựa chọn SGK đang là vấn đề được dư luận đặt ra.
Thực tế, trước khi công bố SGK mới, nhiều nơi đã tổ chức hội thảo giới thiệu các “bản thảo SGK”, gửi công văn đến các địa phương giới thiệu SGK. Thậm chí, có lãnh đạo Sở GD&ĐT của địa phương nọ hết lời ca ngợi về một bộ SGK. Dù vô tình hay cố ý thì cũng tiếp thêm sự hoài nghi trong dư luận về việc cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm phía sau những bộ SGK này.
Trước đây, theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản, chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được làm SGK. Nay, theo Nghị quyết 29-NQ/TW của T.Ư về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới cũng như Luật Giáo dục sửa đổi, việc biên soạn SGK được xã hội hóa. Bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đáp ứng điều kiện của Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT cũng có thể biên soạn SGK và nếu được hội đồng thông qua, sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho sử dụng. Như vậy, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK phải được diễn ra theo hướng cạnh tranh về chất lượng, có lợi cho người sử dụng. Nếu không, sẽ là sự cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý, có tới 4/5 bộ sách SGK với 24/32 cuốn đều thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chỉ có duy nhất một bộ SGK được xã hội hóa của 3 đơn vị khác Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đầy đủ cả 9/9 cuốn, đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng được các yêu cầu của việc xã hội hóa giáo dục trong lĩnh vực SGK. Trong khi đó, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là đa dạng, xã hội hóa SGK, chống độc quyền liệu có bị ảnh hưởng?
Trước những băn khoăn việc chọn SGK, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần thực hiện đúng thông tư hướng dẫn chọn SGK với sự công tâm, minh bạch, có trách nhiệm để lựa chọn được bộ sách phù hợp mà không bị chi phối bởi những thứ “ngoài giáo dục”. Đấy chính là việc nâng chất lượng giáo dục – nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội tại chính địa phương mình.