Phải đảm bảo an toàn cho người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo thẩm tra Quy hoạch tổng thể về thủy điện (TĐ) của Ủy ban KHCN&MT được trìn...

Kinhtedothi - Báo cáo thẩm tra Quy hoạch tổng thể về thủy điện (TĐ) của Ủy ban KHCN&MT được trình bày trước Quốc hội sáng 30/10 nhấn mạnh, hiệu quả kinh tế, yếu tố an toàn, đảm bảo chất lượng và bảo đảm môi trường đối với các công trình TĐ phải được đặt lên hàng đầu. Những dự án không bảo đảm an toàn, không phù hợp theo yêu cầu phải loại bỏ để tập trung cho những dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủy điện nhỏ nhiều, hiệu quả thấp

Chỉ xét trên bài toán kinh tế, Ủy ban KHCN&MT đánh giá, số lượng các dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án này bị loại bỏ khỏi quy hoạch.

Trong khi đó, việc xây dựng các công trình này lại gây ra những thiệt hại nhãn tiền như làm hư hỏng đường giao thông, tăng gánh nặng chi phí vận chuyển, sửa chữa; ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản và giảm sản lượng nông nghiệp ở một số vùng; thay đổi chất lượng và gây ô nhiễm môi trường…

 
Hồ chứa Nhà máy thủy điện Mường Hum. Ảnh: Quốc Khánh
Hồ chứa Nhà máy thủy điện Mường Hum. Ảnh: Quốc Khánh
Báo cáo chỉ ra, đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống bão lụt. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình TĐ là rất thấp. Việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm.

Không ít chủ đầu tư dự án TĐ nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế. Thêm nữa, chủ đầu tư các dự án TĐ nhỏ hiện nay chưa có giải pháp khắc phục diện tích rừng bị mất, đồng thời biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường cũng ngoài khả năng của họ. Việc quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giám sát chặt mức độ an toàn của đập, hồ chứa

Trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình TĐ vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích… đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và hiệu quả hoạt động của công trình. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương xử lý sự cố thấm nước, tiếp tục quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ an toàn của đập, hồ chứa; theo dõi hiện tượng động đất kích thích trong khu vực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc tiếp tục tích nước hồ chứa công trình TĐ này.

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, bên lề hành lang Quốc hội, ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ báo cáo Quốc hội là cần thiết nhưng đáng lẽ việc này phải làm sớm hơn để ngăn ngừa những hậu quả mà người dân hiện nay một số nơi đang phải chịu. Trong khi đó, ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) nhận xét, trong báo cáo chưa rõ trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố và đồng tình với kiến nghị của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội về việc Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Cần minh bạch thông tin về quy hoạch TĐ đến người dân, chính quyền địa phương và trước khi xây dựng TĐ, các bên liên quan cần phải công bố sớm để người dân đóng góp ý kiến.

 
Kết quả rà soát quy hoạch TĐ trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã loại bỏ 424 dự án; Không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; Tạm dừng có thời hạn 136 dự án; Tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ; đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần