Phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công trình cầu đường sắt vượt sông Hồng được đặt trong mối quan hệ với cầu Long Biên lịch sử, với yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, phố cũ, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, tại Hội thảo tham gia ý kiến về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi).

Tuyến đường sắt đô thị số 1 nằm trong Quy hoạch tổng thể Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; là tuyến đường sắt quan trọng thuộc hệ thống giao thông đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.

 
Cầu Long Biên.
Cầu Long Biên.
Công trình cầu đường sắt vượt sông Hồng được đặt trong mối quan hệ với cầu Long Biên lịch sử, với yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, phố cũ, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển  kinh tế - xã hội.

Nhìn chung, các đại biểu dự Hội thảo thống nhất về mục tiêu, quan điểm xác định vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng của tuyến số 1 cần phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Đồng thời thống nhất cao với các nguyên tắc và tiêu chí để xác định vị trí cầu đường sắt, gồm: Hạn chế ảnh hưởng tới cầu Long Biên cả về kết cấu và cảnh quan kiến trúc; Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới khu vực phố cổ, phố cũ và các công trình văn hóa được xếp hạng; Hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng, di dời nhà dân; Thuận tiện cho kết nối giao thông công cộng; Hạn chế ảnh hưởng tới tĩnh không thông thuyền và thoát lũ trên sông Hồng; Hạn chế thay đổi hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 1 so với tuyến đường sắt quốc gia hiện tại; Đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật và các yếu tố kinh tế.

Đa số các ý kiến thống nhất lựa chọn phương án 3 - tim cầu đường sắt cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Việc triển khai cần phải xét các yếu tố liên quan như: việc bảo tồn cầu Long Biên; kiến trúc cầu mới phải hài hòa với Long Biên, hạn chế ảnh hưởng đến khu phố cổ, phố cũ về cảnh quan, kiến trúc; chiều cao thông thuyền phục vụ giao thông thủy, an toàn đê điều; việc tổ chức giao thông khu vực phố Hàng Đậu.

Một số ý kiến khác như: Giữ nguyên phương án cách cầu Long Biên về phía thượng nguồn 186m theo quy hoạch đã được duyệt; kết hợp giũa phương án 186m và 75m; phương án trùng tim với cầu Long Biên, kết hợp với việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên.

UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) tiếp thu các ý kiến tham gia tại Hội thảo, hoàn thiện phương án, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và UBND thành phố để thống nhất phương án lựa chọn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và phê duyệt Đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần