“Phải học các văn bằng, chứng chỉ để đủ hồ sơ bổ nhiệm cũng là lãng phí”

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu cho rằng, việc cán bộ phải đi học các loại văn bằng, chứng chỉ nhằm đủ điều kiện bổ nhiệm cũng là một sự lãng phí.

Sáng 26/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại phiên họp

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, một vấn đề trong báo cáo đề cập đến nhưng chưa rõ, đó là vấn đề lãng phí trong việc sử dụng con người, sử dụng cán bộ. Trong báo cáo cũng chỉ ra rằng chúng ta đã cải cách bộ máy, tinh giản được bao nhiêu biên chế, tiết kiệm bao nhiêu, nhưng trong lực lượng biên chế còn lại chúng ta đã sử dụng bao nhiêu % lực lượng cán bộ đó có hiệu quả.

“Tôi nghe rất nhiều đơn vị, nhiều cơ quan đánh giá chỉ được 50% số cán bộ, nhân viên của các đơn vị đó thực sự làm việc có hiệu quả. Ở đây vấn đề liên quan đến đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, đánh giá cán bộ như thế nào để không xảy ra lãng phí đó” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, lãng phí trong việc người cán bộ, công chức, viên chức phải theo học những chứng chỉ để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bổ nhiệm. Vấn đề này Quốc hội khóa XIV đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, bản thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận hiện nay chúng ta đưa ra những quy định trước khi bổ nhiệm phải có một loạt các chứng chỉ để phòng sẵn.

Chúng ta biết rằng một vị trí quy hoạch tối đa đến 4 người, 1 người lại quy hoạch tối đa là 3 vị trí. Như vậy cán bộ phải luôn đi học các chứng chỉ để sẵn đấy, chuẩn bị sẵn cho mình để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm. Việc này gây ra sự lãng phí trong việc đào tạo cán bộ. Bản thân Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nói sẽ thay đổi việc này. Sau khi vào vị trí đó chúng ta mới cần phải học những thứ đấy để chúng ta có đủ các năng lực, đủ điều kiện, không phải chúng ta chuẩn bị trước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại phiên họp

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng: Vấn đề văn bằng, chứng chỉ không hợp lý gây ra việc đua nhau đi học, nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học thì mình học. Những ngoại ngữ không cần thiết cũng học.

“Tôi là cán bộ khoa học, tôi cảm thấy ngoại ngữ hết sức cần thiết. Tôi sử dụng ngoại ngữ để làm việc chứ không phải học ngoại ngữ để làm cho bằng cấp đẹp lên, hình ảnh của mình đẹp lên” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần làm lâu dài, bền vững và làm ở mọi nơi, mọi lúc. Tiết kiệm, chống lãng phí cần phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi là yêu cầu của một cán bộ, công chức, một cơ quan.

“Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành một quốc sách và để làm được thì phải bắt đầu từ giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ thường dẫn chứng câu chân lý “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Việc giáo dục thì phải thực hiện từ cấp mầm non” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.