Phải kiên quyết phá dỡ công trình vi phạm tại KĐT mới Yên Hòa để lập lại kỷ cương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết phản ánh về việc Tổng Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings) chiếm dụng gần 3.000m2 đất để sử dụng làm sân tennis...

Tại cuộc họp mới đây giữa UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa, Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy và đại diện tổ dân phố, Constrexim Holdings đã đề xuất hiến tặng toàn bộ công trình vi phạm cho UBND phường Yên Hòa tiếp nhận và sau đó chính quyền địa phương sẽ thống nhất với cư dân việc quản lý, sử dụng.

Hiến tặng...hạng mục vi phạm

Ông Lê Trần Đích - Tổ trưởng Tổ dân phố 40 phường Yên Hòa, dự cuộc họp nói trên cho biết: Tại cuộc họp, Constrexim Holdings đề xuất sẽ bàn giao nguyên trạng công trình vi phạm cho UBND phường Yên Hòa trước ngày 20/1/2016 và sau đó, chính quyền địa phương sẽ bàn với cư dân việc xử lý hoặc sử dụng công trình nêu trên. Tuy nhiên, khi chưa nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, tại cuộc họp, UBND phường Yên Hòa đã chấp nhận phương án hiến tặng công trình vi phạm của chủ đầu tư khiến những người phải gánh chịu thiệt thòi nhiều năm vì những vi phạm trắng trợn của Constrexim Holdings bức xúc. Mong muốn của cư dân là phải xử lý nghiêm và cưỡng chế phá dỡ toàn bộ công trình vi phạm. Nếu UBND phường Yên Hòa có nhận lại công trình vi phạm thì người dân sẽ yêu cầu chính quyền phường phá dỡ để trả lại mặt bằng…
Khu đất bị Constrexim Holdings chiếm dụng làm sân tennis tại khu đô thị mới Yên Hòa.	Ảnh: Long Trần
Khu đất bị Constrexim Holdings chiếm dụng làm sân tennis tại khu đô thị mới Yên Hòa. Ảnh: Long Trần
Liên quan đến những sai phạm này, tại Kết luận thanh tra số 202/KL-TTr ngày 29/9/2012, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ, Constrexim Holdings thực hiện không đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt trước và sau các tòa nhà CT3, CT 4-5 và HH1. Đối với khu nhà cấp 4 diện tích hơn 90m2, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân, nếu người dân tiếp tục khiếu kiện thì phải dỡ bỏ... Đến tháng 10/2015, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra và có Báo cáo gửi UBND TP Hà Nội khẳng định: Phần đất ký hiệu CX sau các tòa nhà CT3, CT 4-5, HH1 khu đô thị mới Yên Hòa, Constrexim Holdings đã xây dựng 2 sân tennis xoay dọc, có thêm một nhà cấp 4 diện tích hơn 90m2 sử dụng kinh doanh dịch vụ giải khát không có trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng chỉ rõ việc chủ đầu tư cố tình không khắc phục sai phạm theo Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng dẫn đến khiếu kiện vượt cấp và trách nhiệm thuộc UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa. Tiếp đó, ngày 2/12, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8627/UBND-XDGT yêu cầu UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo phường Yên Hòa phối hợp Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy yêu cầu chủ đầu tư khắc phục lỗi vi phạm nêu trên. Nếu chủ đầu tư không khắc phục, quận Cầu Giấy phải tổ chức cưỡng chế theo quy định. Ngày 10/12, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình do Constrexim Holdings làm chủ đầu tư vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng tại khu đô thị mới Yên Hòa.

Địa phương không có quyền quyết định nhận

Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Constrexim Holdings đề xuất hiến tặng công trình vi phạm cho địa phương, tương tự như trường hợp chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đề xuất hiến toàn bộ phần công trình sai phạm cho Nhà nước. Tuy nhiên, đã là vi phạm thì không thể hiến tặng, sử dụng cho mục đích từ thiện. Đó chỉ là ý kiến, đề xuất của chủ đầu tư, ai lại có thể nhận phần phi pháp ấy, phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật để thi hành. Điều quan trọng chúng ta phải làm rõ, tại sao lại để xảy ra sự việc đó, diễn ra trong nhiều năm, đến bây giờ mới đi xử lý? Trong quá trình đó, sự quản lý của Nhà nước thế nào? Từ đó phải nghiên cứu nguyên nhân sâu xa, sơ hở trong quản lý của Nhà nước để tìm biện pháp, không thể chạy theo từng dự án để xử lý, gây mất ổn định trong xã hội... Giấy phép xây dựng của Constrexim Holdings không phải chính quyền địa phương cho phép, mà do Sở Xây dựng cấp phép. Vi phạm đó được phát hiện, Sở Xây dựng phải có trách nhiệm báo cáo UBND TP, đề xuất hướng xử lý, chính quyền địa phương không có quyền quyết định nhận phần vi phạm, và điều này không có giá trị pháp lý.
“Nếu người dân cảm thấy chưa thỏa đáng, không đồng thuận với đề xuất của chủ đầu tư và chính quyền địa phương, có thể ý kiến lên HĐND cấp phường/quận. HĐND phường/quận có trách nhiệm chất vấn UBND phường/quận, thể hiện ý kiến của người dân. Ngoài ra, Sở Xây dựng, UBND TP có ý kiến, thì chính quyền địa phương không thể tự quyết định được việc nhận phần vi phạm đó” - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần