Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải nắm thật chắc nguồn thu, nhiệm vụ chi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết luận sau đợt giám sát việc triển khai Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 vừa qua, trong đó đưa ra nhận định khá khả quan về tình hình kinh tế - xã hội TP.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho biết: Từ thực tế giám sát, dự báo kinh tế - xã hội TP sẽ thực hiện đạt và vượt các mục tiêu năm 2014 đã đề ra trong nghị quyết HĐND TP.  

Thu - chi ngân sách năm nào cũng được dư luận quan tâm. Qua giám sát, vấn đề thu - chi ngân sách năm nay có điểm gì nổi bật và đáng lưu ý, thưa ông?

- Cả việc triển khai giao dự toán và điều hành thực hiện dự toán thu - chi ngân sách và kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm nay đều có tiến bộ. So với những năm trước, tình trạng chậm giao, chậm phân bổ dự toán ngân sách, chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư XDCB… đều đã được khắc phục một bước. Tuy nhiên, vấn đề nợ và xử lý nợ đầu tư XDCB, nợ thuế, tiền sử dụng đất, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển… cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo bằng những biện pháp vừa đồng bộ, vừa quyết liệt.

 
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt tại buổi giám sát ở huyện Thanh Trì tháng 10/2014.        Ảnh: Minh Hiền
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt tại buổi giám sát ở huyện Thanh Trì tháng 10/2014. Ảnh: Minh Hiền
Theo đánh giá của ông, việc nhiều quận, huyện có  tỷ lệ chi ngân sách vượt dự toán, có đơn vị vượt trên 50 %, có thể coi là "bội chi" không, hay vì những lý do khác? Qua đây ông có lưu ý gì đến cơ sở trong lập dự toán thu - chi?

- Đúng là trong báo cáo của một số đơn vị có tỷ lệ chi ngân sách vượt dự toán như đã nêu. Nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu thì có mấy dạng sau: Một là nhiều đơn vị trong năm đã được cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán (hoặc là do HĐND cấp mình, hoặc là do cấp trên bổ sung về do yêu cầu thực hiện những cơ chế chính sách mới, bổ sung để thực hiện chương trình mục tiêu, hỗ trợ có mục tiêu cho một số dự án đã phân cấp cho địa phương…).

Tuy nhiên, khi tổng hợp báo cáo, các địa phương lại chỉ so với số liệu dự toán đầu năm, không cập nhật và tổng hợp toàn bộ số dự toán đã được giao trong năm, hoặc có đơn vị lại tổng hợp cả số chi chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang, thành ra số thực hiện có tỷ lệ cao hơn so với dự toán.

Hai là, cũng có địa phương, đơn vị đã cho triển khai những nhiệm vụ chi chưa có trong dự toán ngân sách hay kế hoạch đầu tư XDCB giao đầu năm, chưa được cấp thẩm quyền giao bổ sung vào kế hoạch hay dự toán, hoặc đã có trong kế hoạch đầu tư, dự toán ngân sách nhưng thực hiện vượt khối lượng được giao…,  làm cho tỷ lệ thực hiện chi vượt dự toán. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ ngân sách nói chung và nợ đầu tư XDCB nói riêng. 

Để quản lý chặt chẽ và chủ động điều hành dự toán thu chi ngân sách một cách hiệu quả, các địa phương, đơn vị phải nắm thật chắc nguồn thu, nhiệm vụ chi; chỉ giao dự toán khi có đủ các điều kiện quy định về quản lý chi, rõ nguồn chi, đúng thẩm quyền;  chỉ triển khai thực hiện nhiệm vụ chi khi đã được giao kế hoạch, đã có trong dự toán ngân sách… 

Qua đợt giám sát có thể thấy nợ đọng XDCB thường tập trung vào các huyện, ít xuất hiện ở các quận. Theo ông vì lý do gì và theo đánh giá của ông, liệu hết năm 2015 các cơ sở có giải quyết được dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB?

- Đúng là các huyện nói chung có nợ XDCB nhiều hơn so với các quận. Có một số nguyên nhân nhưng một nguyên nhân mà chúng tôi muốn đề cập tới đó là do việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chúng ta xây dựng Đề án để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới vào thời điểm 2010 với mục tiêu là đến năm 2015 sẽ có 35 - 40% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sơ bộ tính toán lúc đó đã dự kiến để thực hiện được 19 tiêu chí đã đề ra thì bình quân mỗi xã cần khoảng 220 - 250 tỷ đồng vốn đầu tư từ các nguồn kể cả ngân sách và ngoài ngân sách.

Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới (Chương trình 02 -CTr/TU) thì tổng kinh phí thực hiện Đề án của 19 xã điểm đợt đầu (đã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trước tháng 12/2013) lên tới 4.328 tỷ (chưa kể số phát sinh thêm do điều chỉnh Đề án của 6 xã). Tuy  nhiên, liên tục mấy năm qua, do ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn huy động từ Nhân dân và DN cũng hết sức khó khăn. Do vậy, nguồn vốn cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới không được như mong muốn…

Cùng với đó, không ít địa phương, đơn vị đã cho triển khai các dự án đầu tư trong Đề án Xây dựng nông thôn mới được duyệt trong khi chưa có nguồn vốn, chưa được giao vốn theo kế hoạch, thậm chí  cả việc cho nhà thầu ứng vốn thi công. Có những công trình, dự án được TP thống nhất chủ trương hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách TP, song mới được phê duyệt dự án chứ chưa được ghi vốn, giao kế hoạch thì địa phương đã cho triển khai thực hiện. Những kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở TP những năm qua là rất rõ và rất ấn tượng. Nhưng cũng cần nhận rõ cả những mặt trái đã và đang phát sinh do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan để chủ động xử lý, khắc phục.

Hiện nay, TP đang chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ XDCB, cố gắng dứt điểm vào cuối năm 2015 trên tinh thần là tập trung bố trí vốn để thanh toán nợ cũ và kiên quyết không để phát sinh nợ mới.

Từ thực tế giám sát vừa qua, trong xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015, theo ông điểm gì cần lưu ý để các chỉ tiêu  khả  thi và phù hợp với cơ sở?

- Tuy còn chậm nhưng nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi khá rõ. Tôi nghĩ rằng năm 2015 kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh hơn. Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2014 của HĐND TP có giao 23 chỉ tiêu chủ yếu.

Trong đợt giám sát vừa qua của HĐND TP cho thấy một số nơi không thống nhất cách hiểu, cách tính toán xác định các chỉ tiêu (thí dụ như chỉ tiêu tạo việc làm mới, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…),  giao chỉ tiêu không sát thực tiễn… Với năm 2015, trên cơ sở trình của UBND, HĐND TP sẽ xem xét và quyết định cụ thể các chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là đối với các chỉ tiêu đã giao phải thiết thực, thống nhất các hiểu, cách tính toán.

Xin cảm ơn ông!