Có thể khẳng định, Chính phủ rất coi trọng và quan tâm đến việc giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, thể hiện ở việc thông qua một loạt biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong bối cảnh vốn vay ODA đã chiếm 26% tổng nợ công, 15% GDP và nguồn vốn này ngày càng khan hiếm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.
Đến nay, khuôn khổ pháp lý về ODA và vốn vay ưu đãi đã cơ bản được hoàn thiện, trong đó Luật Điều ước quốc tế 2016 bổ sung các quy định linh hoạt về trình tự, thủ tục ký kết điều ước quốc tế rút gọn đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2016; các thông tư của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý ODA và vốn vay ưu đãi đã được ban hành; chương trình đầu tư công trung hạn 2016-2021 với tổng số vốn nước ngoài cần giải ngân đã được thông qua và triển khai theo đúng quy định.Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA trong 9 tháng năm 2016 còn thấp, chỉ đạt 2.685/5.100 triệu USD, bằng 52,6% kế hoạch giải ngân năm 2016 dự kiến theo các hiệp định ký kết, trong đó giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương đạt 33.948,5/48.061,5 tỷ đồng, bằng 70,6% kế hoạch giao năm 2016.
Các đại biểu cùng chia sẻ nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi là do những bất cập trong các quy định về thẩm định, phê duyệt văn kiện dự án và đấu thầu, giao kế hoạch vốn nước ngoài còn thấp so với khả năng giải ngân; thiếu sự linh hoạt trong việc điều chuyển vốn giữa các dự án, chất lượng thiết kế dự án còn thấp và thường xuyên phải điều chỉnh, sửa đổi; sự khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ còn lớn; thiếu vốn đối ứng, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài, năng lực các ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế.
Hệ quả của tất yếu của việc giải ngân chậm là thời gian thực hiện dự án tăng lên, làm đội chi phí hữu hình và vô hình đối với ngân sách Nhà nước nói riêng và hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nói chung, trong khi những nguồn vốn này đều là vốn vay phải trả lãi suất.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung tối đa giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đã đặt ra cho năm 2016, tập trung cho dự án quan trọng kết thúc trong năm, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016.
Trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đã vận động được trên 22 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, trong đó nhất thiết phải đề cao trách nhiệm của các chủ dự án, cùng với đó là hiệu quả và khả năng trả nợ.
Phó Thủ tướng lưu ý kinh nghiệm của một số nước như Ấn Độ trong việc chuẩn bị tính sẵn sàng của dự án, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, để khi hiệp định được ký kết, có thể bắt tay vào thực hiện ngay.
Các bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, nhất là cải thiện chất lượng thiết kế dự án để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và giảm thiểu các chi phí do phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Tăng cường công tác xây dựng, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trung hạn và hằng năm về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, và vốn đối ứng; bảo đảm bố trí kế hoạch sát với thực tế thực hiện, kịp thời có giải pháp xử lý trong trường hợp số vốn giải ngân vượt kế hoạch giao.
Duy trì tốt chế độ báo cáo theo quy định, thường xuyên cập nhật trực tuyến hệ thống thông tin giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ KH&ĐT về tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định đối với các cơ quan chủ quản và chủ dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính và các nhà tài trợ xây dựng và đưa vào vận hành trong năm 2016 cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam và các nhà tài trợ trong công tác xây dựng kế hoạch, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch; trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh bố sung kế hoạch sát với thực tiễn thực hiện các dự án bảo đảm giải ngân vốn nước ngoài hiệu quả.
Bộ KH&ĐT phối hợp với các bên liên quan và các nhà tài trợ, đặc biệt là Nhóm 6 ngân hàng phát triển xây dựng và trình Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực các ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu trình Chính phủ phương án tái cấu trúc nợ công để vừa bảo đảm an toàn nợ công, đồng thời đáp ứng tốt chủ trương huy động tối đa nguồn vốn ODA và vốn ưu đãi phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Năm 2016, hoàn thiện dự thảo Nghị định cho chính quyền địa phương vay lại vốn ODA và vốn ưu đãi theo nguyên tắc việc sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi phù hợp với định hướng và lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Bộ TN&MT sớm ban hành trong năm 2016 hướng dẫn về quy trình giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi theo nhiệm vụ đã được giao trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.
Bộ Xây dựng sớm hoàn tất sửa đổi Nghị định 59 ngày 18/6/2015 về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đơn giải hóa quy trình, thủ tục, tăng cường phân cấp trong công tác phê duyệt dự toán và thiết kế chi tiết các dự án đầu tư xây dựng.