Phải thực chất mới “kéo” được chủ doanh nghiệp, người lao động tham gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải làm sao để DN, trong đó có khu vực ngoài Nhà nước thấy được tổ chức Đảng, đoàn thể như là “thân thể” không thể thiếu của mình?

Muốn vậy, đừng “hành chính hóa”, hoạt động phải linh hoạt, thực chất hơn, để vừa phát triển số lượng, vừa đảm bảo sự bền vững. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đã nhấn mạnh như vậy với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị khi đánh giá về kết quả, cũng như những giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết 09 thời gian tới của Thành ủy Hà Nội.

Không ngừng linh hoạt, đổi mới

Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội, xin đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đánh giá về hiệu quả hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết này trong thực tế?

- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Nghị quyết số 09 được ban hành vào thời điểm kinh tế Hà Nội và cả nước, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể và thu được những kết quả tích cực, là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể Nhân dân trong loại hình DN này.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty LSVina.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty LSVina.
Chỉ sau hơn 4 năm thực hiện, Đảng bộ Hà Nội đã thành lập mới 784 tổ chức Đảng, kết nạp 5.190 đảng viên (trong đó có 18 chủ DN tư nhân); 1.788 Công đoàn cơ sở với 173.516 đoàn viên công đoàn; 525 tổ chức Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên với 18.396 đoàn viên, hội viên; 133 tổ chức Hội phụ nữ với 4.905 hội viên tại các DN ngoài khu vực Nhà nước.

Qua thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành đã nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, từ đó có những giải pháp cụ thể, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Vì vậy, số lượng DN khu vực này ở Hà Nội tăng nhanh, với trên 190.000 DN ngoài Nhà nước hoạt động trên địa bàn, trung bình hàng năm đóng góp khoảng 37% tổng số tiền thuế nộp ngân sách cho TP; giải quyết khoảng 1,5 triệu việc làm cho người lao động với mức thu nhập ngày càng được cải thiện.

Vừa qua, đồng chí đã trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ tại một số tổ chức Đảng thuộc DN ngoài khu vực Nhà nước. Vậy, đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng sinh hoạt chi bộ tại đây, đã gắn bó và đồng hành cùng DN?

- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Trong tháng 7/2016, Thường trực Thành ủy đã thành lập 2 đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 09 tại một số cấp ủy trực thuộc. Tôi cùng đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy và các thành viên đoàn kiểm tra đã trực tiếp dự sinh hoạt tại 8 chi bộ DN ngoài khu vực Nhà nước.

Qua các buổi dự sinh hoạt, tôi nhận thấy các chi bộ triển khai tương đối tốt, đầy đủ các nội dung như thông tin, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng trước, nhất là tình hình SXKD của DN và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tháng tới… Một số chi bộ đã mời lãnh đạo DN tham dự sinh hoạt, từ đó trực tiếp tham gia với lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ SXKD; đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, người lao động. Không ít đồng chí Bí thư chi bộ không những “thuộc bài” mà còn rất tâm huyết, thực sự có năng lực, có uy tín với quần chúng, cán bộ, đảng viên và cả với chủ DN. Trong sinh hoạt điều hành tốt, biết gợi mở vấn đề, khuyến khích đảng viên tham gia thảo luận và tổng hợp các ý kiến, chủ động kết luận những việc để chi bộ thực hiện một cách thiết thực, phù hợp với DN.

Tuy nhiên, vì đây là loại hình mới, số lượng đảng viên còn chưa nhiều; có đồng chí Bí thư chi bộ vốn từ DN Nhà nước chuyển sang mô hình mới, vì vậy cách thức sinh hoạt của chi bộ vẫn còn mang “phong cách” chi bộ trong DN Nhà nước. Do vậy cần phải đổi mới hơn. Theo tôi, mỗi buổi sinh hoạt định kỳ chỉ nên diễn ra trong vòng 1 giờ và không nên cứng nhắc diễn ra trong giờ làm việc. Ngay từ buổi sinh hoạt lần này, chi bộ đã phải xác định nội dung lần tiếp theo, để trong vòng một tháng đó làm công tác chuẩn bị. Ngoài sinh hoạt định kỳ, chi bộ cũng nên tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn thiết thực với tình hình sản xuất, đời sống người lao động… Thông qua đó, có thông tin phản hồi đến chủ DN để người ta thấy được lợi ích, vị trí quan trọng của những buổi sinh hoạt sẽ có đóng góp thật sự rõ ràng cho sự phát triển của công ty.

Gắn bó như “thân thể” của doanh nghiệp

Theo đồng chí, bên cạnh việc phát triển số lượng, cần phải làm gì để các tổ chức Đảng, đoàn thể tại các DN ngoài khu vực Nhà nước hoạt động hiệu quả, đúng thực chất, góp phần cùng DN đẩy mạnh SXKD?

- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh về số lượng, Thành ủy sẽ chú trọng nâng “chất” cho các tổ chức Đảng, đoàn thể Nhân dân tại các DN ngoài khu vực Nhà nước, để đây thực sự là những hạt nhân quan trọng giúp DN phát triển sản xuất, đời sống người lao động được đảm bảo. Việt Nam đang trong tiến trình tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có thể xuất hiện tổ chức đại diện người lao động ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng tồn tại hoạt động. Vì vậy, không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể để “kéo” người lao động về phía mình.

Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND TP ban hành những chính sách, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho DN thành lập, phát triển; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đoàn thể. Ban hành các hướng dẫn cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức Đảng trong DN; hướng dẫn các cấp ủy xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa cấp ủy với chủ DN.

Cùng với đó, các cấp, các ngành phải tăng cường nắm bắt tình hình DN, nhất là tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời đối thoại, hỗ trợ, giúp DN tháo gỡ. Việc này không chỉ hô hào là được, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, nếu chỉ làm theo kiểu hành chính đơn thuần sẽ khó thành công. Như đối với người lao động, chúng ta phải tuyên truyền để mỗi người hiểu khi gia nhập công đoàn sẽ được bảo vệ những quyền lợi chính đáng. Chứ nếu tham gia chỉ họp và đóng đoàn phí, chắc chẳng có ai muốn đâu. Với công tác xây dựng Đảng cũng vậy, phải sinh hoạt, tham gia thế nào cho hiệu quả, đừng đứng ngoài cuộc, để DN thấy được sự cần thiết của tổ chức Đảng như là “thân thể” của mình vậy.

Sau cổ phần hóa, nhất là tại những DN thoái hết vốn Nhà nước, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng bị suy giảm. Có nơi, cấp ủy chỉ hoạt động cầm chừng, để hội đồng quản trị “lấn sân”, không có vai trò trong công tác cán bộ cũng như hoạch định chiến lược phát triển DN. Theo đồng chí, nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này và tới đây, Thành ủy sẽ có những giải pháp gì để vừa hỗ trợ, vừa “xốc lại” những tổ chức Đảng đó?

- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do một số cấp ủy chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong DN cổ phần dẫn đến lúng túng; phương thức hoạt động còn theo nếp cũ khi còn là DN Nhà nước nên không phù hợp, hiệu quả thấp. Thực tế có nơi, cấp ủy cảm thấy ít quyền lực, nhất là trong lãnh đạo SXKD và công tác cán bộ nên buông lỏng sự lãnh đạo, đứng ngoài cuộc, thờ ơ với mọi hoạt động của DN. Một số chi bộ sinh hoạt không đều, chất lượng thấp, thiếu những biện pháp có sức thuyết phục để xây dựng, củng cố niềm tin, giải đáp các vướng mắc nảy sinh trong quá trình đổi mới quản trị DN.

Để khắc phục tình trạng này, Thành ủy sẽ nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức Đảng tại các Đảng bộ tổng công ty, các Đảng bộ khối trực thuộc Thành ủy và các Đảng bộ khối DN ở địa phương. Trong năm 2016, Thành ủy chỉ đạo nâng cấp Đảng bộ cơ sở các khu công nghiệp và chế xuất thành Đảng bộ cấp trên cơ sở; hợp nhất 2 Đảng bộ Khối DN và Du lịch để tổ chức thành Đảng bộ Khối DN Hà Nội mới. Một số tổ chức Đảng quy mô nhỏ, ít đảng viên sẽ được đưa về các quận, huyện, thị ủy nơi DN đóng để đảm bảo sự gắn bó, hiệu quả hơn.

Thành ủy cũng sẽ chỉ đạo triển khai Đề tài khoa học “Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng trong các tổng công ty thuộc Đảng bộ TP Hà Nội” với những giải pháp cụ thể, đổi mới mô hình tổ chức Đảng trong các DN đã và đang cổ phần hóa củng cố cấp ủy, đặc biệt là Bí thư chi bộ, Bí thư Đảng ủy. Cùng với việc đưa nội dung sinh hoạt theo hướng thực chất hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát, tôi tin rằng tổ chức Đảng tại các DN sau cổ phần hóa sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí của mình, để cùng DN phát triển bền vững hơn.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần