Phải tuân theo một số logic căn bản của ngành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thị trường ô tô Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng trong những năm...

Kinhtedothi - “Thị trường ô tô Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng trong những năm tới. Tuy nhiên, muốn có nhiều nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới vào đầu tư công nghệ, mở nhà máy sản xuất..., trước hết Việt Nam phải có thị trường công nghiệp ô tô đúng nghĩa” - Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới phân tích.

Phải tuân theo một số logic căn bản của ngành - Ảnh 1Ông đánh giá sao về thị trường ô tô hiện nay?

- Trong một vài năm gần đây, dù nền kinh tế suy thoái nhưng việc mua sắm ô tô vẫn khởi sắc, lượng cầu vẫn gia tăng theo từng năm. Nhưng một thực tế nhìn thấy rõ, đó là người dân chỉ chuộng xe NK nguyên chiếc, đơn giản là vì ngành lắp ráp trong nước, một là, không dự báo được thị trường nên không đáp ứng được nhu cầu; hai là, kiểu dáng ô tô Việt Nam không hấp dẫn. Thời gian qua, DN ô tô nội địa cũng đã phá sản nhiều, chỉ làm được một vài loại hình ô tô đơn giản, công nghệ không phức tạp. Phải làm bằng năng lực của mình, khoa học công nghệ của mình, bằng công nhân, kỹ sư của mình, không nên để ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam kém xa thế giới. Từ trước đến nay, ngành cơ khí vẫn dường như bị bỏ bê, không được quan tâm.

Nếu cứ tiếp tục chính sách bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước, ngành này liệu có cơ hội phát triển trong những năm tới?

- Đến bây giờ không một tập đoàn thế giới nào quy hoạch Việt Nam là điểm sản xuất ô tô, mà lựa chọn hầu hết là các nước xung quanh. Việt Nam chỉ là thị trường lắp ráp và tiêu thụ. Nói như thế để thấy sai lầm trong chiến lược phát triển ngành cơ khí và ô tô của Việt Nam. Nếu không nhận ra và nhìn thấy, sửa chữa nhanh thì thiệt hại vô cùng lớn, vì tiêu dùng ô tô của người dân đang ngày càng tăng. Tất nhiên, những khó khăn chúng ta vẫn đang mắc phải đó chính là do rào cản thuế giảm, chủ yếu lệ thuộc, linh kiện phụ tùng được NK từ nước ngoài, vì vậy, chất lượng lắp ráp không thể bằng sản phẩm nguyên chiếc. Từ đó, sản xuất ô tô trong nước sẽ không còn đường để phát triển, có chỗ đứng trên thị trường.

Vậy theo ông, tới đây chính sách cần thay đổi thế nào để Việt Nam có một ngành công nghiệp ô tô thực sự?

- Điều quan trọng cơ bản nhất ở đây là có xây dựng được DN sản xuất, lắp ráp ô tô tốt hay không? Có DN đủ mạnh để làm hay không? Điều đó cho thấy, đã là chính sách phát triển thì phải đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt DN làm ô tô, đừng trông chờ vào thuế. Rút kinh nghiệm của giai đoạn vừa qua, kế hoạch phát triển công nghiệp ô tô thời gian tới chắc chắn sẽ phải tuân theo một số logic căn bản của ngành này. Thứ nhất, phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển thị trường, vì thị trường nội địa ô tô là lực kéo mạnh nhất. Thứ hai, chuyển giao công nghệ là phương tiện chính để phát triển, do đó chọn một đối tác chiến lược làm việc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Thứ ba, phát triển tập trung để dễ phát triển công nghiệp hỗ trợ và tối ưu việc sử dụng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và logistic… Cuối cùng là tận dụng những tích lũy thu thập được trong giai đoạn qua, cụ thể là Việt Nam đã xây dựng được những DN có tiềm năng đáng kể… Và tận dụng cơ hội mà Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể tạo điều kiện để phát triển công nghiệp phụ tùng.

Xin cảm ơn ông!
Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng ngành sản xuất hiện vẫn còn “trên đường phát triển”. Nhưng nếu Việt Nam tiếp tục thực thi chính sách bảo hộ thì ngành phụ tùng ô tô sẽ khó phát triển. Ngay từ bây giờ, để ngành sản xuất phát triển, Việt Nam cần xác lập ngành sản xuất đặc thù và thương hiệu đặc trưng của mình.
Ông Yokota Etsujiro - Giáo sư Đại học Công nghiệp Nhật Bản, chuyên gia Hội Khuôn mẫu Nhật Bản

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần