Nhà văn, nhà báo Xuân Ba, một người đồng hương xứ Thanh với Phạm Công Thắng chia sẻ: “Hơn 30 năm nhẵn tay với các “con” Praktica, Pentax, Nikon… hết phim lại số, Phạm Công Thắng không chỉ có đen và trắng”. Đúng vậy, đến với triển lãm, giao lưu giới thiệu sách của Phạm Công Thắng mang tên “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”, người xem có thể được ngắm nhìn những bức ảnh đen trắng từ những năm 70 của thế kỷ trước như: "Chợ nổi Cái Răng", "Bếp ấm", "Ấm vị trầu quê", "Chơi ô ăn quan"…; nhưng cũng không thiếu những thước hình mới được ghi cách đây vài tháng. Nhà nhiếp ảnh Phạm Công Thắng vốn là một nhà báo làm trong ngành hàng không, nên ảnh của ông không chỉ có chất lãng mạn, nên thơ, mà còn hàm chứa rất nhiều thông tin. Nói như ông Vũ Đình Thường – Vụ trưởng Vụ Báo chí (Ban Tuyên giáo T.Ư): “Nhiều bức ảnh của Phạm Công Thắng hơn cả một trang giấy miêu tả sự kiện”.
Nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng được công chúng nhiệt tình đón nhận trong triển lãm sáng 3/8. Ảnh: Linh Anh |
Triển lãm “Lãng du cùng Phạm Công Thắng” tuy không giới thiệu hết được gia tài nghệ thuật của ông, nhưng hơn 30 bức ảnh đều là những tác phẩm xuất sắc đạt nhiều giải thưởng như: “Mẹ” (Huy chương đồng Triển lãm nghệ thuật miền Trung năm 1999), "Làng đào Phú Thượng" (Huy chương bạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật Thủ đô 2006)… Bên cạnh đó, tác giả Phạm Công Thắng còn giới thiệu đến người xem cuốn sách ảnh cùng chung chủ đề “Lãng du cùng Phạm Công Thắng” do Nhà xuất bản Đại học quốc gia ấn hành. Cuốn sách dày 176 trang với 180 bức ảnh đã khái quát suốt chặng đường 30 năm cầm máy của ông, lang thang từ Hà Giang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… rồi miền Nam. Đến cả vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nhà nhiếp ảnh, nhà báo Phạm Công Thắng cũng để lại dấu ấn của khu đảo Tốc Tan.
Đặc biệt, trong cuốn sách ảnh “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”, ông ưu ái dành riêng cho Hà Nội ở mục mở đầu, với những bức ảnh muôn màu nhất về cuộc sống Thủ đô. “Đi trong lòng phố, giữa những xe đạp chở hoa ngập nắng, giữa những gánh hàng rong in dấu bao hồi ức của đất Kinh Kỳ - Kẻ chợ, máy ảnh đã không thể nằm yên. Dù không sinh ra ở Hà Nội, nhưng hơn nửa đời người gắn bó nơi này, tim tôi đã dành cho Hà Nội một nhịp đập rất riêng… Và thế là tôi vào làng đào Phú Thượng chụp những gốc đào cổ thụ, ra đê sông Hồng ngắm những bóng thuyền rập rờn… Hà Nội trong những bức ảnh của tôi, giản đơn là nhịp đập đời đều đặn nhưng đầy sắc thái của chia sẻ và yêu thương” – nhà nhiếp ảnh Phạm Công Thắng tâm sự. Trong những ngày diễn ra triển lãm (từ nay đến 15/8), Phạm Công Thắng sẽ có mặt để giao lưu cùng bạn bè và công chúng yêu ảnh.