Sự kiện khai mạc Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Khám phá nét son Hà Nội” đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả, du khách bởi cách trình diễn áo dài mới mẻ, giàu cảm xúc, trên sân khấu nhưng lại gần gũi với mỗi người Hà Nội, hấp dẫn với du khách muốn tìm hiểu văn hoá, vẻ đẹp Hà Nội.
Đứng trên vai trò Tổng đạo diễn, Phạm Hoàng Giang cho biết, anh đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho sự kiện quan trọng này. Với những Festival khối lượng công việc nhiều như Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 với gần 20 hoạt động diễn ra, anh và ekip gần như ngày nào cũng làm việc 15- 16 tiếng/ngày. Tuy nhiên, Phạm Hoàng Giang tự hào khi được đóng góp vào một hoạt động ý nghĩa của Hà Nội, nơi anh yêu và gắn bó. Năm nay, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023 được đánh giá là hấp dẫn, có những “đột phá”.
Chương trình do đạo diễn Minh Trí là người chắp bút cho phần ý tưởng văn học, còn đạo diễn Phạm Hoàng Giang là người tính toán về mặt dàn dựng. Hai đạo diễn đều cùng quan điểm rằng không dàn dựng theo hướng một Fashion show áo dài mà xác định làm theo cách kể một câu chuyện và gắn nó với đời sống, làm như vậy khán giả sẽ thấy gần gũi với mình hơn, từ đó sẽ cảm thấy yêu áo dài hơn. Đồng thời khắc hoạ được tiêu chí và mục đích của chương trình là thể hiện được nét đẹp của áo dài nhưng làm sao phải toát lên được và giới thiệu được về du lịch Hà Nội để thu hút khách trong nước, quốc tế đến Hà Nội. Cách “kể” của hai vị đạo diễn giúp tà áo dài hiện lên chân thực, gần gũi với nhiều tầng lớp và lứa tuổi.
Trước Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023, Phạm Hoàng Giang đã đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn của hàng loạt lễ hội lớn ở khắp các vùng miền trên cả nước như Khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2021, 2023, Lễ kỷ niệm 1055 năm nhà nước Đại Cồ Việt, Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tình Phú Thọ, Tuần Văn hoá và Du lịch tỉnh Hoà Bình.
“Trước mỗi lễ hội diễn ra tôi thường đi thực địa và ăn ở với người dân tại nơi đó, nói chuyện với các chuyên gia và nhà nghiên cứu các lĩnh vực đó để mình có đủ các thông tin cũng như thông tin đó là chính xác để xây dựng một kịch bản đủ sức hấp dẫn. Một kịch bản hay thì cần toát lên được bản sắc tại địa phương đó nhưng hình thức thể hiện cần được đổi mới. Nói thì rất dễ nhưng để làm được và thuyết phục được Ban tổ chức là điều không dễ vì bao năm họ đã quen với cách làm cũ rồi, giờ mình muốn đổi mới, muốn làm hay hơn là mình phải đủ sức thuyết phục, đủ kiên nhẫn để BTC dành niềm tin cho mình và ekip. Ví dụ như lúc tôi làm chương trình Lễ hội Hoa Ban nếu khai thác yếu tố chàng Khum và nàng Ban mình cần khai thác ở góc cạnh khác, những giá trị mà họ để lại cho người Thái và các tỉnh Tây Bắc chứ tôi không khai thác vào yếu tố chuyện tình của họ. Hay khi thực hiện chương trình Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Việt Trì, Ban tổ chức muốn rằng Bản trường ca sông Lô phải thể hiện được tinh thần và dàn dựng hoạt cảnh để nói lên được hào khí nhưng tôi lại muốn thể hiện một tinh thần khác trong tác phẩm cho giới trẻ ngày nay dễ cảm nhận và khi giới trẻ cảm nhận được sẽ dễ lan toả những thông điệp hơn” - Phạm Hoàng Giang phân tích.
Là một đạo diễn đắt show từ các lễ hội văn hoá đến các chương trình ca nhạc lớn, bí quyết thành công của Phạm Hoàng Giang đơn giản là dồn hết tinh lực của mình, say mê tận cùng với từng chương trình, bảo vệ những điều đúng đắn, tôn trọng, không làm sai lệch tính lịch sử cũng như văn hoá. “Mỗi chương trình diễn ra tôi luôn có những khoảng lặng và đặt ra nhiều hướng đi cho kịch bản, mạch chảy nào tôi hứng thú nhât tôi sẽ quyết định đi theo mạch chảy kịch bản đó vì nó sẽ cho tôi sức sáng tạo cũng như tâm huyết của mình cho nó” - anh tâm sự.