Phân biệt giới trong tuyển dụng lao động: Bức tường vô hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu "Bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam" do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Navigos Search thực hiện, yêu cầu về giới tính vẫn khá phổ biến trong tuyển dụng tại khối DN tư nhân, trong khi một mức độ bình đẳng giới khả quan hơn được ghi nhận tại môi trường làm việc và các cơ hội thăng tiến.

Theo nghiên cứu này, 1/5 trong số 12.300 quảng cáo tuyển dụng trên 4 cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam (Vietnamworks, JobStreet, CareerBuider, Career Link) trong thời gian từ giữa tháng 11/2014 đến giữa tháng 1/2015 có đưa ra yêu cầu về giới tính. Trong số các việc làm đăng tuyển có yếu tố giới, 70% yêu cầu chỉ tuyển nam giới, trong khi chỉ có 30% nhận hồ sơ của ứng viên nữ. Hơn thế, nam giới thường được ưu tiên các công việc mang tính chất chuyên sâu hơn và đòi hỏi kỹ năng cao hơn hoặc các công việc yêu cầu di chuyển nhiều như kiến trúc sư, lái xe, kỹ sư và công nghệ thông tin. Trong khi đó, phụ nữ thường được yêu cầu cho các công việc mang tính chất hỗ trợ và văn phòng như lễ tân, thư ký, kế toán, nhân sự và hành chính. Thậm chí như bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc điều hành Navigos Search nhận định: "Đa số các ngành nghề mà nam giới được ưu tiên tuyển dụng thường có kỹ năng cao hơn và thu nhập tốt hơn so với hầu hết các công việc dành cho phụ nữ". Điển hình là ngay cùng một nghề nhất định, các vị trí quản lý thường "chọn" nam giới. Trong đó, 83% các thông báo tuyển dụng vị trí quản lý có yếu tố giới yêu cầu ứng viên nam, toàn bộ các vị trí giám đốc chỉ dành cho nam giới.

Cũng trong khuôn khổ của nghiên cứu, một cuộc khảo sát với các chủ lao động trong khu vực tư nhân vào đầu năm 2015  cũng cho thấy, ngoài trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc - 2 yếu tố quan trọng khi đưa ra các quyết định tuyển dụng, 2/3 chủ lao động hỏi các câu hỏi về khả năng làm việc ngoài giờ. Có tới 43% chủ lao động muốn tìm hiểu về tình trạng hôn nhân của người xin việc và 30% hỏi thông tin về kế hoạch sinh con.

Ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, quảng cáo tuyển dụng nên tránh đề cập đến giới tính bởi đó là hình thức trực tiếp của phân biệt đối xử theo giới và "những bức tường vô hình" ấy sẽ dẫn đến sự tập trung về giới theo nghề nghiệp và chức năng công việc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng DN có thể hưởng lợi tối đa từ tài năng của người lao động. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có các quy định cụ thể ngăn sự phân biệt đối xử về giới (như quảng cáo việc làm có đề cập đến giới tính); nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế và xã hội của bình đẳng giới nhằm gỡ bỏ những định kiến vốn tồn tại từ lâu; tạo cơ chế linh hoạt cho phép người lao động sắp xếp hiệu quả công việc cũng như những ràng buộc về thời gian dành cho gia đình.