Phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng: Theo sát “sức khỏe” của từng ngân hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2012, dự kiến, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cân nhắc phân chia theo nhóm ngân hàng.

Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng sẽ được nêu ra và bàn thảo tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 18/12 tới.
 
Xây dựng hạn mức tín dụng
 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc cấp hạn mức cho vay năm 2012, tại sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Minh Hưng cho biết, năm 2012, dự kiến sẽ được xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được cân nhắc phân chia theo nhóm ngân hàng trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo các tiêu chí đảm bảo chỉ tiêu an toàn, có hệ thống quản trị rủi ro tốt, đảm bảo thanh khoản, có các tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép. "Đề xuất về việc cấp hạn mức tín dụng mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra là phù hợp với định hướng của NHNN 2012 và sẽ được NHNN quán triệt. Trong  tháng 12 này, NHNN sẽ nhóm họp với các tổ chức tín dụng về vấn đề chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012", ông Hưng cho biết.

Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, năm 2012, dự kiến sẽ tiếp tục siết cho vay phi sản xuất và những lĩnh vực không ưu tiên. Tuy nhiên, NHNN sẽ có những chính sách phù hợp với thực tế thị trường như vẫn ưu tiên vốn cho một số nhu cầu vốn thiết yếu của người dân như mua nhà thu nhập thấp cho công nhân, sửa chữa nhà, mua nhà để ở…

Đánh giá về việc xây dựng hạn mức tín dụng dự kiến này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, đây là việc cần thiết và rất nên làm. "Mỗi ngân hàng có sức mạnh kinh tế và vị thế vị trí khác nhau nên không thể đánh đồng hạn mức 20% mà phải tùy từng điều kiện, từng ngân hàng. Ngân hàng nào khả năng thanh khoản mạnh thì cho giới hạn cao hơn", ông Phong nói.

Năm 2012, lãi suất cho vay vẫn sẽ còn cao

Theo T.S Nguyễn Minh Phong, Chính phủ đặt mục tiêu đưa lạm phát về khoảng 9%. Tuy nhiên, các biện pháp để thực hiện mục tiêu này lại chưa nhiều. Bởi vậy, khả năng lạm phát sẽ trên dưới 10% chứ chưa thể hạ hẳn xuống 7% hay 8% được. Mà lạm phát trên dưới 10% thì lãi suất huy động tối thiểu cũng phải 12% và cho vay sẽ khó dưới 15%. Bởi vậy, năm 2012, khả năng để hạ lãi suất cho vay chưa thật rõ.

Thời gian qua, dư luận đang rộ lên thông tin NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động với mục tiêu hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, chi phí vốn của một số ngân hàng thương mại vẫn đang rất lớn. Nếu hạ lãi suất huy động, người dân sẽ không còn tha thiết với kênh tiết kiệm. Ngân hàng thương mại khó huy động vốn và việc cho vay ra cũng không hề dễ dàng. "Mục tiêu hạ trần huy động để giảm bớt gánh nặng lãi suất cho doanh nghiệp sẽ khó mà thực hiện nếu lạm phát vẫn cao" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay là nợ xấu gia tăng và tính thanh khoản thấp, nên thời điểm này NHNN cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản. Với mục tiêu hạ trần lãi suất huy động, như lời Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định gần đây, không thể nói việc này không gây ảnh hưởng gì tới thanh khoản của những ngân hàng này, nếu không nói là nhiều khả năng sẽ kéo theo một số ngân hàng khác rơi vào tình trạng giảm sút thanh khoản do người dân vì giảm sút lòng tin mà không gửi tiền vào ngân hàng nữa.

Để hạ được lãi suất cho vay, trước hết là cần phải hạ lạm phát. Bên cạnh đó, nếu hạ trần lãi suất huy động, ngân hàng sẽ khó huy động vốn hơn. Muốn ngân hàng thương mại huy động với lãi suất thấp và cho vay ra với lãi suất đủ thấp để doanh nghiệp chịu được trong bối cảnh lạm phát còn cao, theo tôi, NHNN cần có một nguồn tiền bổ sung đủ lớn để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

T.S  Nguyễn Minh Phong Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần