Phan Bội Châu từ Chơi Xuân đến Bài ca chúc Tết thanh niên

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phan Bội Châu (1867 – 1940) là nhà yêu nước vĩ đại, nhà thơ xuất sắc. Thơ đối với ông không chỉ để thể hiện cảm xúc, tâm sự mà còn là vũ khí đấu tranh vì lý tưởng cứu dân, cứu nước, là nhật ký hành trình tư tưởng của sự nghiệp cách mạng đầy gian khó...

Từ Chơi Xuân trước thềm Đông Du

Phan Bội Châu (1867 - 1940)  
Phan Bội Châu (1867 - 1940)  

Chơi Xuân được Phan Bội Châu viết vào khoảng đầu năm 1905, sau khi ông cùng Nguyễn Thành và 20 đồng chí khác thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam và đang chuẩn bị cho kế hoạch Đông du. Ông viết Chơi Xuân theo thể hát nói:

Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ
Đã chơi Xuân đừng quản nghĩ chi chi
Khi ngâm nga xáo lộn cổ kim đi
Tùa tám cõi ném về trong một túi
Thơ rằng:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi
Mặt mũi anh hùng há chịu ri
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế
Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ
Năm địa cầu vừa một tý con con
Đạp toang hai cánh càn khôn
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà
Hai vai gánh vác sơn hà
Đã chơi chơi nốt, ố chà chà Xuân

Khi làm bài thơ này, tư tưởng của ông là bạo động giành độc lập và xây dựng nhà nước quân chủ lập hiến. Để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đó, ông và Duy Tân hội chủ trương phong trào Đông du đưa thanh niên sang Nhật Bản học tập. Chơi xuân là bài thơ để thức tỉnh tinh thần yêu nước của đồng bào, đặc biệt là thanh niên. Ngay từ bốn câu mưỡu đầu đã thể hiện chí khí mãnh liệt: “Đã chơi Xuân đừng quản nghĩ chi chi” để “Tùa tám cõi về trong một túi”.

Đó là cái chí nam nhi trước cảnh nước mất nhà tan của Phan Bội Châu và cũng là của người dân Việt Nam. Bài thơ cũng chỉ ra trách nhiệm đối với vận nước của mọi người: “Nước non Hồng Lạc còn đây mãi/Mặt mũi anh hùng há chịu ri”. Và phải có tinh thần kiên quyết: “Hai vai gánh vác sơn hà/Đã chơi chơi nốt, ố chà chà Xuân”.

Bài thơ này đã bộc lộ tâm sự và khát vọng của ông vào thời điểm ông bắt đầu một hành trình tranh đấu mới của sự nghiệp lớn ái quốc.

Như chúng ta biết, năm lên chín tuổi, ông đã có ý thức hưởng ứng phong trào chống Pháp của Trần Tấn, Đặng Như Mai. Mười bảy tuổi, thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc; Năm 19 tuổi tổ chức một đội thí sinh quân gồm 60 người ứng nghĩa Cần Vương.

Năm 1900, ông đỗ Giải nguyên và chính thức dân thân vào con đường cứu nước. Năm 1904, ông lập ra Hội Duy Tân (1904), chủ trương bạo động và nhờ ngoại viện để khôi phục nền độc lập.

Năm 1905 là thời điểm có tính bước ngoặt trong cuộc đời, sự nghiệp của ông. Lúc này, tư tưởng phong kiến đã cáo chung vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước. Tư tưởng dân chủ bắt đầu xác lập vị thế trong phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng ở Việt Nam. Riêng đối với Phan Bội Châu, ông đã hướng đến nhà nước quân chủ lập hiến theo mô hình đế quốc Nhật Bản hay mô hình Duy Tân biến pháp của các nhà cải cách Trung Quốc.

Phan Bội Châu đã sang Trung Quốc sau đó sang Nhật Bản để tìm hiểu về cuộc cải cách chính trị của họ. Được sự giúp đỡ của các chính khách Nhật Bản, năm 1908, Phan Bội Châu và Duy Tân hội phát động phong trào Đông Du, đã đưa được khoảng 200 thanh niên yêu nước sang Nhật Bản vào học các trường chính trị, quân sự, kỹ thuật để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đấu tranh võ trang.

Thế nhưng, Chính phủ Nhật Bản đã thỏa hiệp với chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam để ngăn chặn kế hoạch của Phan Bội Châu và Duy Tân hội. Khoảng tháng 3/1909, Chính phủ Nhật trục xuất ông và các học sinh Đông Du. Ông về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu rồi sang Xiêm hoạt động. Cách mạng Tân Hợi thành công (1911), ông trở lại Trung Quốc và thành lập Việt Nam quang phục hội với tôn chỉ khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước "Cộng hòa dân quốc Việt Nam". Lập trường chính trị của Phan Bội Châu chuyển biến, từ tư tưởng quân chủ sang tư tưởng dân chủ.

Ngày 24/12/1913, ông bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam; Năm 1917, ra tù, viết báo để tuyên truyền chống Pháp và tiếp tục tìm đường cứu nước; Giữa năm 1924, cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng. Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải đem về nước, đưa ra xử ở Tòa đề hình Hà Nội. Trước phong trào phản đối rầm rộ khắp cả nước, thực dân Pháp phải tuyên bố tha bổng nhưng giam lỏng ông ở Huế.

Đến Bài ca chúc Tết thanh niên của Ông già Bến Ngự

Mặc dù trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng ông vẫn làm thơ văn để tố cáo chính quyền thực dân phong kiến và giác ngộ tinh thần yêu ước của đồng bào.

Ngày 29/1/1927, trước Tết nguyên đán, học sinh ở các trường trung học Huế nhờ ông Võ Liêm Sơn, một thân sĩ yêu nước, giáo viên trường Quốc Học, làm một bài ca trù đến mừng thọ ông. Nhân đó, ông đáp lại bằng bài thơ “Bài ca chúc tết thanh niên:

Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi Xuân, Xuân có biết hay chăng?
Buồn cùng sông, thẹn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh
Thưa các cô các cậu lại các anh
Đời đã mới người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào gánh vác cựu giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại
Ai hữu trí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng “nhật nhật tân, hựu nhật tân”.

Vẫn sử dụng thể thơ hát nói, Bài ca chúc Tết thanh niên là tâm sự gan ruột của Phan Bội Châu với thế hệ trẻ sau gần 30 năm bôn ba cứu nước nhưng sự nghiệp chưa thành. Ông thức tỉnh họ khỏi cơn mê trong đêm trường nô lệ của dân tộc. “Xuân ơi Xuân, Xuân có biết cho chăng?/ Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng/ Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót”. Nói với Xuân nhưng là nói tự nói với mình và thanh niên về nỗi đau nhục mất nước và nghĩa vụ cứu nước, cứu dân như ông đã từng nói với họ trong Tân Việt nam: “Hãy tỉnh dậy đi!/Hãy đứng lên đi, gương mày nở mặt để rửa nhục cho sông núi” trước đó.

Đặc biệt, với nhãn quan và kinh nghiệp của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, ông không những kêu gọi thanh niên yêu nước và dấn thân mà phải đổi mới để thành công. “Đời đã mới người càng nên đổi mới/Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/Ghé vai vào gánh vác cựu giang san/Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan/Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại…”.

Có lẽ Phan Bội Châu là người đầu tiên kêu gọi đổi mới. Trước bối cảnh tân vận hội của thế giới, để đưa đất nước thoát cảnh lầm than thì thanh niên – với vai trò xốc vác cựu giang san – phục hưng đất nước, phải đổi mới cách nhìn, tư duy, tư tưởng và phương pháp hành động. Thanh niên phải biết nhục để thoát ra đam mê hưởng lạc, phải biết dốt để từ bỏ lối học tầm chương trích cú, khoa cử hư danh, phải biết tu dưỡng tinh thần yêu nước để tự cường. ”Ai hữu trí từ nay xin gắng gỏi/Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần”.

Thời điểm viết Bài ca chúc Tết thanh niên, năm 1927, Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội đã bị đàn áp nhưng trong sâu thẳm chủ trương bạo động để cứu nước vẫn kiên định trong ông. Có thể thấy điều đó khi ông khuyên/chờ đợi/hy vọng ở thanh niên: “Đúc gan sắt để dời non lấp bể/Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.

Sự nghiệp của Phan Bội Châu chưa thành công nhưng tinh thần yêu nước, ý chí cứu nước và văn chương của ông thì sáng mãi trong lịch sử dân tộc. Ở ông, văn chương và cuộc đời là một. Đọc thơ Xuân của ông càng thấm thía điều đó.