Tiền đi theo việc
Qua kết quả giám sát thực tế và qua báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện, đoàn giám sát nhận định: Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi tại Hà Nội đã gắn với phân cấp kinh tế - xã hội, tạo ra những tiến bộ rõ nét trong điều hành ngân sách ở các quận, huyện. Đồng thời, làm tăng tính chủ động của chính quyền địa phương trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích tăng thu và nuôi dưỡng nguồn thu.... Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách Nguyễn Văn Nam cũng cho biết: Thực tế giám sát cho thấy vẫn còn những tồn tại như trong phân cấp kinh tế - xã hội, quyết đinh phân cấp chuyên ngành có nội dung chưa phù hợp với quy định chung của TP và T.Ư như phân cấp quản lý đường phố theo quy định đường có tên và không tên; một số theo quy định chưa phù hợp với đặc thù của địa phương; quản lý duy tu trong khu đô thị mới, công viên, vườn hoa chưa rõ ràng... Trong phân cấp ngân sách, quy định nhiệm vụ chi cho cấp xã, phường có nhiều điểm cũng chưa ăn khớp với phân cấp kinh tế xã hội; tiêu chí xây dựng tỷ lệ điều tiết sử dụng đất chưa tạo thêm nguồn thu cho địa phương; tiêu chí phân bổ dự toán với lĩnh vực môi trường còn chưa rõ ràng…
Đoàn giám sát cũng chỉ ra những nguyên nhân, trong đó ngoài nguyên nhân khách quan như trong thời kỳ ổn định ngân sách có một số chính sách mới khiến việc điều tiết ngân sách không kịp thay đổi theo; hệ thống văn bản pháp luật chưa có sự thống nhất; nhu cầu chi theo kinh tế - xã hội lớn, nhưng nguồn lực hạn chế..., cũng có không ít nguyên nhân chủ quan như quyết định phân cấp kinh tế - xã hội cũng còn nhiều điểm chưa cụ thể; một số cơ quan tham mưu chưa mạnh dạn đề xuất phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở; sự phối hợp giữa ngành và cấp trong thực hiện phân cấp chưa nhuần nhuyễn, dẫn đến trùng lấn... Đoàn giám sát kiến nghị, TP rà soát tổng thể các quy định về phân cấp kinh tế - xã hội, nhất quán quan điểm là tăng cường phân cấp cho cơ sở và tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng quản lý dịch vụ. Cùng với đó, phân cấp thu chi phải phù hợp với kinh tế - xã hội, tính đến tính đặc thù của địa phương, đảm bảo nguyên tắc tiền đi theo việc, giúp tăng tính chủ động của địa phương…
Không giao việc khi không làm được
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, việc phân cấp đã làm cho việc phân bổ ngân sách hợp lý hơn, khắc phục được sự ỷ lại, cơ chế xin cho. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cho rằng, vẫn còn những yếu kém ở khâu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, dẫn đến sự chưa rõ ràng kể cả về nội dung, mức độ phân cấp. Trong phân cấp nguồn thu chưa sát đối với từng đơn vị, dẫn đến thực trạng như đoàn giám sát đưa ra là có đơn vị nguồn thu lớn, nhưng nhiệm vụ chi lại chưa tương xứng và ngược lại. Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị tham mưu cần phải rà soát được nguồn thu, từ đó phân cấp nhiệm vụ chi. Trong phân cấp kinh tế - xã hội, đưa ra những nguyên tắc để phân cấp theo pháp lý, khoa học, gắn với trách nhiệm được giao. Trong đó lưu ý đến nguyên tắc, những gì cấp dưới làm được, cấp trên sẽ phân cấp. Ngược lại, những việc quận, huyện không phải làm, không làm được, nhất quyết không giao và phân cấp phải phù hợp theo thực tế, điều kiện từng địa phương. Cùng với đó, khi phân cấp, phải tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện về nhân lực, vốn, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản phẩm mình phân cấp.
Trên cơ sở kiến nghị của đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở, ngành rà soát lại từng lĩnh vực đã phân cấp, khắc phục những bất cập hiện nay và báo cáo TP điều chỉnh trong giai đoạn tới. Đồng thời, kiến nghị với T.Ư những nội dung chưa phù hợp như quản lý trạm y tế, và nghiên cứu để phân cấp triệt để cho những đơn vị đặc thù như Long Biên...
Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cũng đồng tình với nguyên tắc, cấp nào làm tốt thì phân cấp cho cấp đấy. Đồng thời, căn cứ vào tình hình địa phương có những kiến nghị cấp trên sửa đổi, có cơ chế đặc thù, không quá cứng nhắc theo quy định, nhưng lại không phù hợp với thực tế.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi làm việc.
|