Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân cấp quản lý sàn bất động sản: giúp chuẩn hóa hoạt động kinh doanh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, phía cơ quan soạn thảo (Bộ Xây dựng) dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS).

Theo đó, cần đẩy mạnh việc phân cấp trong hoạt động quản lý sàn giao dịch BĐS, cung cấp dịch vụ theo hướng số hóa, lồng ghép vào với các thủ tục. Theo đánh giá, việc đẩy mạnh phân cấp sẽ góp phần quan trọng vào việc chuẩn hóa kinh doanh của đội ngũ môi giới.

Nhà đầu tư tham khảo dự án bất động sản qua sàn giao dịch trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư tham khảo dự án bất động sản qua sàn giao dịch trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều thách thức đối với nghề môi giới

Những mảng màu sáng - tối của nghề môi giới BĐS tiếp tục trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian gần đây, khi Bộ Xây dựng - cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý các sàn giao dịch và đội ngũ môi giới hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật của những người làm môi giới BĐS.

Vụ việc nổi cộm nhất liên quan đến Công ty Phúc Lộc có địa chỉ tại số 34 Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Vào ngày 11/6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) đã tiếp tục ra quyết định khởi tố 42 đối tượng đồng phạm liên quan đến hành vi lập “dự án ma” tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, công an đã khởi tố 88 bị can liên quan đến vụ việc.

Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều chủ sàn giao dịch BĐS cũng bị khởi tố, bắt giam. Vào cuối tháng 1, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hưng Yên) thụ lý vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam quốc lộ 5, xảy ra tại Công ty BĐS Thăng Long, ký hợp đồng chuyển nhượng trên 2.700 lô đất trái quy định, thu hơn 1.700 tỷ đồng. Nguyễn Thế Hùng, sinh năm 1982, trú tại khu tập thể Coma7, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc công ty, đã bị bắt.

Ngày 18/5, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Cần Thơ) bắt tạm giam Phan Minh Thuận (44 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuận Kiều 368 (tọa lạc phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để điều tra về hành vi trốn thuế với số tiền trên 2,3 tỷ đồng...

Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, BĐS trở thành ngành “nóng”, kéo theo đó là lực lượng hùng hậu những người tham gia vào hoạt động môi giới BĐS. Không phủ nhận hoạt động của người làm nghề môi giới đã có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường BĐS.

Tuy nhiên, trong quá trình này đã xảy ra nhiều bất cập, tiêu cực ngoài những vụ việc vi phạm pháp luật, thì lực lượng những người làm môi giới BĐS vẫn bị đánh giá là chưa thực sự chuyên nghiệp, quá trình đào tạo còn hạn chế, công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng.

Số liệu thống kê sơ bộ từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 300.000 người làm nghề môi giới trong các tổ chức, DN (con số này thực tế lớn hơn gấp nhiều lần do không thể thống kê hết được những người hành nghề tự do - PV). Tuy nhiên, số lượng môi giới được đào tạo bài bản, nhận chứng chỉ hành nghề chiếm số lượng khá khiêm tốn, khoảng 40.000 người, chiếm 13% tổng số lượng.

“Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, thực tế trong 10 năm qua, có một số địa phương quan tâm triển khai, nhưng cũng rất hạn chế số lượt, số lượng, tỷ lệ các kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được tổ chức còn quá nhỏ so với nhu cầu.

Trong khi đó, một lượng lớn những người hành nghề môi giới trong các tổ chức, DN đã được đào tạo bài bản, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch để lấy chứng chỉ nhưng không có suất thi” - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Trần Văn Bình cho hay.

Minh bạch và chuẩn hóa hoạt động kinh doanh

Theo đánh giá, thị trường dịch vụ môi giới BĐS ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng lại thiếu kiểm soát, gần như không có rào cản giữa việc gia nhập và rút lui, mọi cá nhân, chủ thể đều có thể dễ dàng tham gia. Từ việc phát triển một cách tự phát như vậy dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng dịch vụ suy giảm, lừa đảo phát sinh... gây mất niềm tin trong xã hội.

Bên cạnh đó, vai trò và địa vị pháp lý của những người làm môi giới BĐS không rõ ràng khi các chủ đầu tư dự án BĐS đều có thể tự lập bộ phận bán hàng; Nhà nước chưa có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà môi giới tham gia sâu vào giao dịch BĐS hoặc ràng buộc pháp lý có sự tham gia của môi giới.

Trong khi đó, mặc dù lực lượng tham gia đông, những đóng góp trực tiếp của lực lượng này vào nguồn thu ngân sách chưa tương xứng. Ngoài ra, cùng với việc hạn chế trong tổ chức các kỳ thi sát hạch, cấp chứng chỉ thì công tác đào tạo, kiểm tra, khung chương trình đào tạo đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế phát triển của thị trường...

Trước những bất cập và “lỗ hổng” về pháp lý, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng nhằm siết chặt lại hoạt động của các sàn giao dịch và người hành nghề môi giới BĐS. Hiện nay, Bộ Xây dựng - cơ quan soạn thảo đang tiếp tục triển khai lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hồng Hà chủ trì mới đây về dự thảo Nghị định này, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo làm rõ và quy định chi tiết một số nội dung quan trọng, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động của sàn giao dịch BĐS, cung cấp dịch vụ BĐS theo hướng số hóa, lồng ghép các thủ tục hành chính.

“Tôi cho rằng, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý sàn giao dịch BĐS là rất cần thiết, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai những quy định của luật một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn những điều khoản mang tính ràng buộc vai trò, trách nhiệm của người làm môi giới khi cung cấp thông tin về 1 sản phẩm BĐS, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân; đồng thời giúp minh bạch và chuẩn hóa các hoạt động kinh doanh của thị trường BĐS” - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề môi giới, đặc biệt là những người hành nghề tự do chưa được quan tâm, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, tiêu cực thời gian gần đây. Cùng với đó, việc số hóa thông tin về thị trường BĐS cũng chưa được đầu tư đúng mức, người dân thiếu thông tin đối chiếu khi giao dịch, nên dễ xảy ra tình trạng bị lừa đảo.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong cấp, quản lý mã số định danh cho môi giới BĐS cũng cần được sớm triển khai thực hiện giúp cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra hành nghề đúng luật, để việc quản lý, phát triển thị trường BĐS của Nhà nước thực sự hiệu quả, tiết kiệm ngân sách quốc gia.

 

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, đề nghị Bộ Xây dựng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng các địa phương trong công tác quản lý sàn giao dịch, tổ chức kỳ thi và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, có thể giao hoặc ủy quyền cho một số đơn vị chuyên môn nghề nghiệp tổ chức thực hiện.

Điều này phù hợp hơn theo quan điểm về một kỳ thi quốc gia nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, thi cử, tránh phát sinh tiêu cực. Người làm nghề môi giới BĐS buộc phải có thái độ nghiêm túc trong việc chuẩn bị kiến thức pháp luật cũng như trải qua đào tạo, sát hạch để được thông qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề, từ đó sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực như đã xảy ra.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - TS Nguyễn Văn Đính