Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân chia "chiếc bánh lợi ích"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong 2 ngày 27 - 28/2, Tổng thống Pháp Fracois Hollande thực hiện chuyến thăm Nga chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2012 theo lời mời của người đồng cấp chủ nhà Vladimir Putin.

 Dù chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo được công bố là liên quan đến thúc đẩy hợp tác kinh tế, rút ngắn sự khác biệt trong quan điểm về các vấn đề quốc tế, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, mục đích thật sự của chuyến thăm này là để phân chia “chiếc bánh lợi ích” tại châu Phi và Trung Đông.

Hiện Moscow và Paris có quan hệ hợp tác quân sự khá vững mạnh, làm nền tảng cho sự phát triển lớn mạnh hơn về mọi mặt. Trước đó, trong phiên tham vấn Nga - Pháp về vấn đề an ninh diễn ra tại Paris hồi cuối tháng 10/2012, hai bên đã chia sẻ sự tương đồng về chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, khác biệt quan điểm về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn là trở ngại lớn nhất cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Giữa lúc Paris ủng hộ, thậm chí hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria để lật đổ chính quyền của Tổng thống al-Assad, Nga vẫn phản đối các hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Damascus.

Kể từ khi Pháp quyết định tiến hành chiến dịch quân sự ở Mali, Paris đã phải thực hiện nhiều bước đi nhằm đổi lấy sự ủng hộ của Nga, vốn là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Ngoài ra, sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Nga tại châu Phi, trong đó hạt nhân là mối quan hệ với Nam Phi - quốc gia nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã tạo nên những áp lực không nhỏ cho Paris khi có ý định quay trở lại vùng thuộc địa cũ. Trong bối cảnh Nga đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Nam Phi vào tháng 3 tới để bàn về các diễn biến ở Mali nói riêng, châu Phi nói chung, Tổng thống Hollande chắc chắn sẽ tìm cách để tranh thủ sự ủng hộ của Moscow với sự hiện diện của quân đội Pháp ở khu vực giàu tài nguyên này. Theo đó, “chiếc bánh lợi ích” về năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Mali sẽ được Pháp khéo léo chia cho Nga nhằm kéo Moscow xích lại gần hơn, thậm chí có thể thúc đẩy Nga đi đến một quyết định ủng hộ về hậu cần, vũ khí hay thông tin tình báo cho Pháp.