Trong ngày thứ 2 Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, sáng 22/7, Hội nghị nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trình bày về Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Nguyên tắc cốt lõi là dân chủ và tập trung
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Phân tích hạn chế về nguyên tắc tập trung dân chủ trong các bước bổ nhiệm cán bộ, bà Trương Thị Mai đề nghị làm rõ cụ thể bước “dân chủ” và bước “tập trung”. Nhưng chỗ nào cần định hướng cũng cần thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc cốt lõi cần quan tâm, cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành.
“Chỗ nào dân chủ để có ý kiến, để có lá phiếu đúng đắn về uy tín cán bộ khi bổ nhiệm. Nhưng chỗ nào cần định hướng, chỗ nào tập trung thì phải thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Vừa rồi chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ. Nhưng ngược lại có nơi thả nổi. Người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Cả 2 việc này không tốt cho Đảng. Vì vậy đây là nguyên tắc cốt tử cần quan tâm, cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành”- bà Trương Thị Mai phân tích.
Chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế thời gian qua, bà Trương Thị Mai cho rằng, đó là do một số tổ chức cơ sở đảng buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa thường xuyên rà soát, kiên quyết sàng lọc đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, Đảng mong muốn phát triển được nhiều đảng viên, nhưng không vì vậy mà không đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách. Bởi những người không đủ tư cách sẽ làm cho Đảng ngày càng yếu đi. Vì vậy, một mặt coi trọng chất lượng, mặt khác phải thường xuyên sàng lọc đưa người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Đánh giá thực chất tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ
Về những mục tiêu cụ thể, Trương Thị Mai yêu cầu từng cấp ủy phải xây dựng mục tiêu phù hợp nhiệm vụ của mình. Đối với mục tiêu hàng năm 90% tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, tỷ lệ này hiện nay đã đạt được, nhưng liệu có thực chất hay không? Do đó sắp tới phải làm sao tỷ lệ này phải thực chất.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đối với củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc làm đầu tiên là đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Trong đó tập trung kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức cơ sở đảng đặc thù. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt". Sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo ngành, lãnh thổ, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị và phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ địa phương.
Đối với việc đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp uỷ, bí thư cấp uỷ ở cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp nắm tình hình, phân công cấp ủy viên phụ trách và dự sinh hoạt với tổ chức đảng ở cơ sở. Lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp uỷ cấp trên trực tiếp và cấp uỷ viên được phân công phụ trách.
Về giải pháp liên quan đến quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng cán bộ cơ sở, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh đến mục tiêu phấn đấu 100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương.
“Theo Nghị quyết 26, đến 2025, tất cả 100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương. Bí thư cấp tỉnh cơ bản không phải là người địa phương. Ban Tổ chức Trung ương đang cố gắng tham mưu làm việc này. Hiện nay có khoảng 33, tới đây sẽ có 36 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không phải là người địa phương và cố gắng sắp xếp đảm bảo Nghị quyết 26. Còn bí thư cấp huyện đề nghị tiếp tục tính toán để đảm bảo Nghị quyết 26 là 100% không phải là người địa phương”- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thông tin thêm.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh giải pháp giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, "tự soi", "tự sửa", đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên. Phát huy vai trò của cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu tấm gương đảng viên tiêu biểu. Cấp ủy, chi bộ phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên, tạo điều kiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên. Mỗi đảng viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện để chi uỷ, chi bộ kiểm tra, giám sát, làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm.