Tới dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, số trẻ bị dị tật bẩm sinh đang chiếm từ 1,5- 2% số trẻ sinh ra Hiện có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ em có bệnh tật bẩm sinh. Đến nay, Bộ Y tế đang triển khai đề án tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên 63/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi lễ. |
Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến Trung tâm Dân số- Kế hoạch hoá gia đình để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi. “Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đạt 70%, phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh phổ biến. Riêng tại Hà Nội, năm 2017, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của thành phố đạt 74% số bà mẹ mang thai, 83% trẻ sơ sinh được sàng lọc một số bệnh cơ bản” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kêu gọi các ngành, các cấp và tầng lớp Nhân dân thống nhất nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, TP đã phê duyệt và đầu tư cho đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh và được triển khai rộng khắp ở 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn. Ngoài sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Bên cạnh đó, Hà Nội còn triển khai một số hoạt động sàng lọc khác như: Sàng lọc khiếm thính cho trẻ từ 0-60 tháng tuổi; sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho vị thành niên, thanh niên; sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: Mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, thời gian tới, Hà Nội sẽ phấn đấu duy trì kết quả công tác dân số đã đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tập trung triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành T.Ư khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. “Các cấp chính quyền phải coi công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh.