Thông tin tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2021 Tổng cục đã bám sát nhiệm vụ được giao, tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương, khắc phục khó khăn để tham mưu cho Bộ NN&PTNT trong chỉ đạo điều hành. Các văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình đề án để huy động nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp cơ bản được thực hiện đúng tiến độ.
Năm 2021, cả nước vẫn ghi nhận nhiều trường hợp phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Ảnh minh họa. |
“Năm 2021, 100% chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật là giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra, tăng 20% so với năm 2020; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch thu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tăng 0,01% tương ứng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2021, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020...” - Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết thêm.
Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp trong năm 2021 cũng tăng mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ với diện tích, cơ cấu đáp ứng cơ bản yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, chống xói mòn đất đai, sa mạc hóa và giảm nhẹ thiên tai; đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục Lâm nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, nhất là sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Đặc biệt, vẫn còn các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ tại một số vùng trọng điểm như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Nguyên nhân là do người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do, chuyển diện tích đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và khai thác rừng tự nhiên trái phép.
Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Khai thác 31,5 triệu m3 gỗ. Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD và thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.000 tỷ đồng...
Để thực hiện những mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp triển khai có hiệu quả10 nhóm giải pháp đã đề ra. Trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tập trung phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu; kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững...