Trong đó, nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Phó Thủ tướng cho biết thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trong những năm qua Chính phủ luôn quan tâm bố trí ngân sách nhà nước và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn tiếp tục được ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực và tích cực triển khai thực hiện.
Năm 2014, tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 4,2%; tín dụng tính đến hết tháng 10 tăng 8,2%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%. Dự kiến đến cuối năm sẽ có khoảng 790 xã đạt chuẩn nông thôn mới (19 tiêu chí), chiếm 8,8%. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 14,4% năm 2012 và 12,7% năm 2013. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2014 ước đạt 84%, tăng 2% so với năm 2013.
Chính phủ cũng đã ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, quy định mới về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Trong lĩnh vực nội vụ, Chính phủ cũng rà soát, đánh giá và chấn chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế. Tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Sớm ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế.
Trong vấn đề bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ, báo cáo nhận định đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ 42,3% GDP; dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép theo quy định. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công gắn với đổi mới cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh, tích cực. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định...
Chính phủ cũng nhận định, dù đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, có những việc đã đạt kết quả bước đầu, nhưng cũng có nhiều việc còn chưa đạt yêu cầu. Việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Công tác quản lý thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng. Bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh. Chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế; giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thanh niên nông thôn còn khó khăn. Công tác xây dựng thể chế còn chậm, một số quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi nghe báo cáo, các ĐB Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về các vấn đề đặt ra trong các Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, cũng như việc thực hiện của Chính phủ
Xem toàn văn báo cáo tại đây.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
|