Phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành "một cực tăng trưởng mới"

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Thanh Hóa phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 19/3, tại tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng…

Theo báo cáo của tỉnh, 2 tháng đầu năm 2022, các hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,2% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,3%; giá trị xuất khẩu đạt 844,9 triệu USD, tăng 33,3%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.062 tỷ đồng, bằng 29% dự toán, tăng 81%.

Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án (3 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 861,8 tỷ đồng và 21 triệu USD, tăng 71,4% về số dự án và gấp 2,8 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế được tổ chức linh hoạt, hiệu quả, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh; Tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống nhân dân ổn định. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; không xảy ra vụ việc nổi cộm, phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 "Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa", tỉnh đã khẩn trương thực hiện các nội dung để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết 37 trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, trong 8 chính sách đặc thù Quốc hội ban hành cho tỉnh Thanh Hóa, có 1 chính sách đã được thực hiện (chính sách về phân bổ thêm 45% số chi phí theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên); 4 chính sách tài chính khác (chính sách về để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn; chính sách về mức dư nợ vay; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất và chính sách về phí, lệ phí), các cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực tham mưu để sớm được thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với 3 chính sách về phân cấp, ủy quyền chuyển đổi đất lúa, đất rừng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành quy trình thực hiện.

Trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 8,85%, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực…

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân về Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.

Tỉnh làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường các công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, tiêu cực.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong triển khai các nhiệm vụ, cần rà soát lại để cho nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh chú trọng tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 58); đẩy nhanh việc cụ thể hóa và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu thực hiện sáng tạo, hiệu quả chính sách đặc thù trong cả thu ngân sách, không chỉ chú trọng thực hiện chi ngân sách. Phải đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm của việc thực hiện các chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Thanh Hóa phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ.

Trong đó, cần chú trọng phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị vì thực tế trên thế giới cho thấy 75% động lực tăng trưởng đến từ đô thị. Và trong xây dựng nông thôn mới phải gắn với quá trình đô thị hóa.

Tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tránh chồng chéo, phát huy các tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa trong tương quan chung của cả vùng.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Thanh Hóa chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo, trước mắt là phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các bộ, ngành hữu quan tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh Hóa còn những khó khăn, tồn tại và hạn chế, một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt kế hoạch chủ yếu do tác động của dịch Covid-19.

Việc tham gia góp ý kiến của 1 số cơ quan, đơn vị, đại biểu Quốc hội vào 1 số dự án luật chưa sâu, chưa tổ chức được nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân về Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.

Thanh Hóa làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường các công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình quán triệt các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 58, Thanh Hóa cần tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục tiêu, khát vọng, quyết tâm là rất lớn nhưng thách thức cũng vô cùng khó khăn; để có thể tạo ra sự chủ động của từng người, theo phương châm "góp gió thành bão".

Đây là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, ngoài việc tranh thủ ngoại lực, Đảng, Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ thì tỉnh cần phát huy mạnh mẽ nội lực. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong mục tiêu của Nghị quyết 58 xác định đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một trung tâm lớn của Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, nông nghiệp giá trị gia tăng cao, dịch vụ logicstic, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu...

Đặc biệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành "một cực tăng trưởng mới", cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành "tứ giác phát triển" ở phía Bắc của Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý "không phải cứ có nghị quyết là thành hiện thực ngay", đồng thời cho rằng phải "thấm đến từng người dân, từng cán bộ, từng đảng viên, từng tổ chức, từng cơ quan, từng địa phương để ai cảm thấy cũng phải có trách nhiệm, "góp gió thành bão", mỗi người đều phấn đấu, đều thi đua thì mới được; phải có khát vọng để phát triển.

Nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hóa năm xưa: "Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về "sự điều khiển sắp đặt", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bây giờ cơ chế, chính sách cho Thanh Hóa đã có, vấn đề là phải quản lý, nâng cao năng lực quản trị, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội.

Đẩy nhanh việc cụ thể hóa và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tỉnh cần tiếp tục tham gia đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội; quan tâm những chương trình hoạt động của Quốc hội, nhất là bốn chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022; rà soát toàn bộ những phần việc liên quan đến địa phương, nhất là những vấn đề liên quan công tác quy hoạch; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng thu tiết kiệm chi…

Tỉnh đồng thời tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ...

Nhấn mạnh Mường Lát vẫn còn là huyện nghèo phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng và tăng cường cơ chế khoanh nuôi bảo vệ rừng, nghiên cứu tăng định mức cho bà con; tỉnh có thể phối hợp với cơ quan hữu quan lập riêng đề án để phê duyệt, từ đó có thể thấy được nhu cầu đầu tư phát triển, góp phần giúp Mường Lát từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Thanh Hóa, giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Với sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng với thời cơ, vận hội mới, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.