Nhiều khó khăn
Sau hơn 5 năm ra nhập WTO, hội nhập KTQT sâu rộng đã giúp Hà Nội phát triển kinh tế, mở rộng thị trường. Tổng sản phẩm GDP giai đoạn 2007 - 2012 tăng 10,8%/năm, gấp 1,5 lần và chiếm 13% GDP cả nước; Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, TP gặp không ít khó khăn. Mặc dù có nhiều thế mạnh nhưng chỉ số hoạt động KTQT có thời điểm đứng thứ 2 - 3 cả nước. Trong 11 tháng năm 2012, Hà Nội chỉ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá gần 9,2 tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu lên đến 22,1 tỷ USD.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội thảo.Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được chú trọng nhưng hầu hết vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực nhanh chóng thu lợi nhuận như bất động sản, thiếu các dự án công nghệ cao, môi trường, nông nghiệp. Vẫn còn tình trạng DN nước ngoài đăng ký vốn đầu tư với số lượng lớn nhưng chậm thực hiện giải ngân. Hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế chưa tạo được điểm nhấn riêng, chất lượng hoạt động du lịch còn thấp so với thế giới.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI phản ánh: Việc triển khai các khu công nghệ (KCN) chất lượng cao để thu hút vốn FDI của TP quá chậm. Chẳng hạn KCN cao Láng - Hòa Lạc đã được triển khai xây dựng cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, điều này đã khiến nhiều DN nước ngoài ngại không muốn đầu tư vào Hà Nội.
Khắc phục cách nào?
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội cho rằng: TP nên đẩy mạnh hợp tác với Thủ đô các nước, tổ chức quốc tế liên đô thị… Từ đó, mở rộng quan hệ thương mại, du lịch, thu hút FDI, mở rộng thị trường XK. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường đầu tư, rà soát, bãi bỏ, sửa đổi các chính sách chưa phù hợp với cam kết hội nhập KTQT; có chính sách hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của Hà Nội; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại - du lịch…
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Hà Nội nên đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương trong cả nước. Đặc biệt chú trọng tới các tỉnh trong hành lang kinh tế Việt - Trung. Theo nhiều đại biểu, UBND TP cần tạo điều kiện cho các tổ chức, tập đoàn quốc tế, nhất là ngành ngân hàng mở chi nhánh tại Hà Nội, từ đó xây dựng Thủ đô thành trung tâm giao dịch quốc tế về tài chính, ngân hàng; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch - giải trí kết hợp nghỉ dưỡng và các ngành công nghệ cao.
Tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái khẳng định: Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao cũng cần hạn chế đến mức tối đa việc cấp phép đầu tư các DN sử dụng công nghệ thấp, trung bình, các sở, ban, ngành cần đẩy mạnh công tác dự báo kinh tế thế giới, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn. TP đang xây dựng các chương trình hỗ trợ DN Thủ đô nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Đây là cơ sở để từng bước hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển kinh tế ngoại thành chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thuần túy sang sản xuất nông sản chất lượng cao.
Nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác KTQT, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ xây dựng các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đề ra cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.