70 năm giải phóng Thủ đô

Phấn đấu gần đất...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu ngày không gặp nhau, bạn bè thường có thói quen hỏi thăm độ này cư ngụ phường, quận nào. Bởi chưng giờ đây, sự “thiên di” của cư dân nội thành diễn ra khá thường xuyên.

Xu hướng chung là đổi chỗ cũ - sang chỗ mới với điều kiện sống tốt hơn. Phần lớn những gia đình có điều kiện thường chọn những khu đô thị mới, với hạ tầng cơ sở đồng bộ. Và chung cư là xu hướng chung của đô thị hiện nay, vì thời buổi tấc đất - tấc vàng.

Sống ở chung cư cũng có những cái hay riêng. Đó là an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông đi lại - thuận tiện hơn so với những con phố nhỏ chật hẹp… Tuy nhiên sống chung đương nhiên nhiều cái cũng bất tiện…

Nhà có khách, tụ tập dăm bảy anh em, ồn ào một chút, tức khắc hàng xóm có ý kiến. Bố mẹ ở quê ra sống cùng con cái, ban ngày chẳng khác gì… tù giam lỏng, bởi cháu đi học, con đi làm. Sau bữa tối, ai về phòng người đó… Vì những lý trên, người có điều kiện sẽ bỏ chung cư, quay về nhà đất. Đấy là khởi nguồn cho câu nói vui, là phấn đấu để… gần đất - xa trời!

Tiếng ngoại thành, nhưng vùng quê tôi sinh sống chỉ vài cái “vít ga” đã vào phố. Thế nhưng lớp trẻ bây giờ lại có xu hướng thích ở chung cư, bởi tính độc lập, ít đụng chạm. Điển hình trong số đó là cậu em họ tôi. Vừa cưới nhau được non nửa năm, cậu em nằng nặc đòi bố mua chung cư để ở riêng; mặc dù khoảng cách từ làng ra phố chưa đến 10km; trong khi nhà đất rộng rãi, sân vườn đầy đủ…

Sống cảnh một cha một con, dẫu không muốn nhưng chú tôi vẫn phải “dốc ống” và vay mượn thêm mấy trăm triệu mua cho cậu ấm căn chung cư non trăm mét vuông. Sau bốn, năm lấy vợ, cậu em sòn sòn cho ra đời hai nhóc. Trong khoảng thời gian đó, dù đã ngót 70, nhưng hàng ngày ông già vẫn cọc cạch đạp xe gần 10km ra thăm cháu. Nhưng sau một lần suýt bị ô tô tông, chú tôi đành ra ở hẳn với con trai và cháu nội. Theo cách nói của ông, đây là sự “bỏ làng” và sống cảnh… gần trời, bởi căn hộ của cậu em ở tận tầng 35 của một chung cư không xa nhà mấy nả!

Là người thích lối sống chậm, nên khi còn đương chức, ông vẫn hàng ngày 2 buổi sáng - chiều cọc cạch đến cơ quan bằng xe đạp. Ông dành dụm tiền tậu thêm vườn, ao thêm rộng; cương quyết khước từ cái ồn ào của phố thị. Ấy vậy mà ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, bất đắc dĩ phải dấn thân đến chốn bon chen, ông đâm buồn…

Vào sáng thứ 7 cách đây ít lâu, chú tôi bắt xe ôm về nhà. Mới tinh mơ, hàng xóm đã thấy ông vác cuốc ra xới cỏ, trồng rau, tưới cây, quét lá. Một, rồi hai tuần trôi qua, anh em, hàng xóm vẫn chưa thấy ông ra chỗ… gần trời. Hai vợ chồng người em đã mấy lần về năn nỉ, thậm chí còn nhờ họ hàng “lốp by”, nhưng chú tôi vẫn cương quyết… cố thủ!

“Lúc còn đương chức, tao còn chả thèm ở trong phố, bây giờ đến cái tuổi này còn ham hố gì. Trách nhiệm với con cháu thế là đủ, từ giờ đừng bắt bố ở nhà hộp nữa”. Tôn trọng bố, em tôi cũng không nài ép thêm. Từ đó, cứ cuối tuần vợ chồng con cái đứa em lại tíu tít về thăm ông nội.

Căn nhà quạnh quẽ lâu nay như bừng sáng bởi tiếng trẻ thơ. Khu vườn quanh nhà lại xanh tươi cây lá, chú tôi như trẻ ra… Vui chuyện ông nói: Ở tuổi chú đã được gọi là… gần đất xa trời, vậy nên phải để chú ở quê để thỏa nguyện. Ai lại để người già sống… gần trời bao giờ, chán lắm!