Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị đã chia thành 3 nhóm công tác: Nhóm tổng giám đốc, nhóm công tác kỹ thuật, nhóm công tác vận hành và marketing để cùng thảo luận và bàn bạc. Đã có 45 báo cáo về chủ đề phục hồi và phát triển được các đại biểu và quan sát viên của 8 quốc gia tham gia trình bày. Có nhiều lời mời hợp tác đầu tư đã được đưa ra trong các phiên thảo luận.
Với vai trò chủ nhà, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tham gia trình bày 5 báo cáo về các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững, quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Các tham luận, báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được hội nghị đánh giá cao và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh, các báo cáo và thảo luận trong hội nghị đều nhất trí cho rằng muốn phát triển hơn nữa sau đại dịch Covid-19, các nước ASEAN cần đặt ra những mục tiêu chung của khu vực để cùng phát triển.
Khá nhiều nước đánh giá cao định hướng đẩy mạnh vận tải hàng hóa liên vận quốc tế (LVQT) của Việt Nam trong bối cảnh hành khách giảm sút do đại dịch Covid-19. Theo đó, 8 nước tham gia Hội nghị Tổng giám đốc đường sắt ASEAN lần thứ 42 thống nhất về mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 50 triệu USD tiền cước vận tải hàng hóa LVQT. Trong đó các nước cần đưa ra giải pháp để nâng cao tỷ trọng vận tải đường sắt trong chuỗi logistic.
Tại Hội nghị lần này, ngành đường sắt Lào và Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ Vientiance đến cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh). Hai bên đều thống nhất cho rằng, nếu tuyến đường được hoàn thành sẽ đẩy mạnh vận tải hàng hóa và hành khách giữa 2 nước Lào và Việt Nam.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Đường sắt quốc gia Malaysia - ông Mohamed Suhaimi Yaacob lại đánh giá rất cao công tác tổ chức của chủ nhà Việt Nam. Các nội dung bàn thảo thiết thực, đi thẳng vào những điều đường sắt các quốc gia đang cần. Hội nghị quyết định sẽ tổ chức Hội nghị Tổng giám đốc đường sắt ASEAN lần thứ 43 tại Philippine vào năm 2023.