Nguồn tin dẫn lời Bí thư Thành ủy, Thị trưởng "Tam Sa" Tiêu Kiệt cho biết, trường học và các công trình đồng bộ liên quan là một trong những dự án dân sinh trọng điểm trong năm 2014 của "thành phố Tam Sa", dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 7.924 m2, tổng diện tích xây dựng 4.650m2, tổng vốn đầu tư 36 triệu Nhân dân tệ. Các công trình đồng bộ liên quan gồm thư viện, phòng hồ sơ tài liệu, phòng đa năng, sân chơi, nhà văn hóa… Dự án sẽ hoàn công và đưa vào sử dụng sau 1 năm rưỡi thi công. Trường có thể mở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, tiểu học và triển khai các hoạt động giáo dục khác, nhằm tiếp nhận khoảng 40 con em của cư dân và quân nhân đóng trên đảo phù hợp các lứa tuổi đến trường.
Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lâu đời và không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính thuộc TP Đà Nẵng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc tại quần đảo này.
Đại sứ Lê Hoài Trung (phải) tại hội nghị UNCLOS lần thứ 24. Ảnh: TTXVN
|
Trước đó, tại hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) diễn ra tại trụ sở chính của Liên Hợp quốc hôm 13/6 ở New York (Mỹ), Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên UNCLOS phản đối các hành vi đơn phương của Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông. Tại Hội nghị, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Malaysia… cũng đã phát biểu bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời đề nghị các bên nghiêm túc chấp hành Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).
Theo TS William Choong - chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) khu vực châu Á, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 tới hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là "một động thái được tính toán trước", "đã được Bắc Kinh lên kế hoạch cẩn thận". Những hành động của Trung Quốc liên quan tới Bãi cạn Hoàng Nham, vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, và Bãi đá James nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển của Việt Nam "là chiến lược được tính toán kỹ càng của Trung Quốc" để dần chiếm toàn bộ khu vực đường 9 đoạn.
Về đối sách của Việt Nam, ông Choong nói: "Rất đáng hoan nghênh khi Việt Nam không leo thang căng thẳng và không sử dụng vũ lực để chống lại các tàu của Trung Quốc ở quanh khu vực đặt giàn khoan", và "Việt Nam đã có cách tiếp cận ôn hòa và hợp lý đối với các thách thức của Trung Quốc tại vùng biển của mình". Đối với phản ứng cần thiết của ASEAN trước những âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, TS Choong cho rằng, ASEAN cần phải có cách tiếp cận chung và mạnh hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành COC, trong khi thuyết phục Trung Quốc rằng COC có tính chất ràng buộc không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả các nước ASEAN tuyên bố chu quyền tại vùng biển này.