Phân hóa tiền lương

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách, đổi mới cách tính lương công chức, viên chức thế nào cho phù hợp, để thu hút nhân tài, để công chức tận tâm và có trách nhiệm trong công việc là câu chuyện luôn nóng.

Thực tế, Chính phủ đã nhiều lần cải cách tiền lương, nhưng cách tính lương còn bất cập, chưa gắn với hiệu quả công việc. Nhiều ý kiến chờ đợi bước đột phá mới khi Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các DN đang được xây dựng và dự kiến được trình Hội nghị T.Ư 7 (Khóa XII) tới đây.
 Ảnh minh họa
Việt Nam đã 4 lần thực hiện cải cách tiền lương, tính riêng từ tháng 12/1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần và sắp tới từ 1/7/2018, dự kiến mức lương cơ sở tiếp tục tăng thêm 90.000 đồng/tháng nữa. Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề cải cách tiền lương.
Tuy nhiên thực tế qua nhiều cuộc khảo sát, hội thảo đã được chỉ ra, mức tăng lương chủ yếu chỉ đủ bù trượt giá, chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, hệ thống lương hiện nay không cho thấy sự khác biệt trong cơ chế trả lương cho các loại công việc khác nhau. Việc tăng lương cũng diễn ra cào bằng, chủ yếu dựa vào thâm niên và bằng cấp chứ không dựa vào công việc, chức vụ được giao đảm nhận.

Nhưng việc cải cách tiền lương thế nào cho hợp lý là điều không đơn giản, phải gắn với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế. Bởi đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn, tạo sức ép lên ngân sách sẽ là khó khăn không dễ giải quyết. Bởi thế, các chuyên gia cho rằng, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức cần có sự phân hóa rõ ràng, hưởng lương, tăng lương theo năng lực của từng người chứ không cào bằng.

Những điểm mới dự kiến sẽ được đưa ra trong Đề án cải cách tiền lương mà Ban Chỉ đạo T.Ư đang tập trung xây dựng nhận được nhiều sự đồng tình. Bởi kỳ vọng giải quyết các bất hợp lý hiện nay đối với chính sách tiền lương là cào bằng, không kích thích được lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đặc biệt, một số điểm mới trong tư duy cải cách tiền lương đã được đề cập đến là xây dựng hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo vị trí, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp. Như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nói: “Cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, lương của cấp trên cao hơn cấp dưới, tránh tình trạng ngược lại như hiện nay”.

Mức lương phải bảo đảm mức sống, đó là vấn đề có tính then chốt trong lựa chọn, thiết kế chính sách lương và cần thiết phải phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong tuyển dụng nhân tài, trả lương xứng đáng. Đồng thời, đề án cho phép các địa phương có quyền tự chủ khi tự cân đối được ngân sách Nhà nước, tự đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương trong một giai đoạn ổn định ngân sách thì cũng được quyền tự quyết định tiền lương cao hơn.

Vừa qua, TP Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Điều đặc biệt lưu ý là thu nhập tăng thêm này sẽ được chi trả căn cứ theo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị. Dù mang tính đặc thù, nhưng cách làm này chắc chắn sẽ giải quyết được ít nhiều bất cập đặt ra trong chính sách tiền lương hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần